Ngày 16/7, Chính phủ Mali và các nhóm phiến quân đã tiến hành đối thoại tại thủ đô Alger của Algeria, nhằm chấm dứt các hoạt động nổi dậy kéo dài hàng chục năm qua ở miền Bắc Mali. Thủ tướng Mali Moussa Mara (thứ 2, bên phải) đến thăm khu vực bất ổn Kidal hồi tháng 5. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, cuộc đối thoại có sự tham dự của đại diện Chính phủ Mali và 6 phong trào vũ trang ở khu vực miền Bắc Mali, gồm: Phong trào Arab Azawad (MAA), Phối hợp dân tộc Azawad (CPA), Tập hợp các phong trào-Mặt trận kháng chiến yêu nước (CM-FPR), Phong trào Giải phóng dân tộc Azawad (MNLA), Hội đồng cấp cao vì sự thống nhất Azawad (HCUA) và Phong trào Arab Azawad đối lập.
Đại diện các nước đối tác của Mali và các tổ chức quốc tế cùng tham dự đối thoại, trong đó có Niger, Burkina Faso, Chad, Mauritani, Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OCI).
Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao-Hội nhập châu Phi và Hợp tác quốc tế của Mali Abdoulaye Diop hoan nghênh "những người anh em ở khu vực Bắc Mali đã có quyết định mang tính lịch sử là tham gia đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho người Mali".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra nhấn mạnh cuộc đối thoại thể hiện các bên ở Mali hy vọng đạt được "một giải pháp cân bằng và bền vững, đáp ứng nguyện vọng của tất cả mọi người". Ông Lamamra cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng quốc tế đã đóng góp ý kiến và định hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bắc Mali, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại tôn trọng những cam kết và thỏa thuận đã ký kết nhằm tạo điều kiện để người dân Mali củng cố sự phát triển kinh tế và xã hội.
Tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Alger của Algeria, các nhóm vũ trang MAA, CPA, CM-FPR đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Mali.
TTXVN/Tin tức