Cùng thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Putin, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi miền Bắc Syria trong khi đồng minh của Washington là lực lượng người Kurd đạt được thỏa thuận với quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Tổng thống Putin đã đến Saudi Arabia ngày 14/10, bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia thứ hai sau lần đầu tiên vào năm 2007. Chuyến thăm được cho tập trung vào quân sự tại Syria, hợp tác về chính sách năng lượng.
Chỉ vài ngày trước đó, Saudi Arabia đã phớt lờ gợi ý mua hệ thống phòng không của Nga. Ngày 16/9, Tổng thống Putin gợi ý rằng Saudi Arabia nên mua hệ thống phòng không của Nga để tự bảo vệ các cơ sở dầu mỏ trước các tấn công bằng máy bay không người lái.
Gần đây, Saudi Arabia còn “bật đèn xanh” cho việc Mỹ triển khai 3.000 binh sĩ tại lãnh thổ. Kênh RT (Nga) cho biết đây là dấu hiệu rõ ràng Riyadh vẫn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ về an ninh và quốc phòng.
Tuy nhiên, Nga dường như không quay lưng lại với Saudi Arabia mà mối quan hệ giữa hai quốc gia thậm chí có nhiều tiến triển, đặc biệt là trong kinh tế. Xuất hiện thông tin về cơ sở khai thác dầu hợp tác giữa hai quốc gia trị giá 1 tỷ USD và nhiều thỏa thuận khác dự kiến được ký kết trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin.
Mối quan hệ Nga-Saudi Arabia đang ở thời kỳ tốt đẹp hơn 2 thập niên trước đây. Hiện diện của Nga tại Trung Đông ngày càng gia tăng và Saudi Arabia đang chớp lấy cơ hội để kết thân với Moskva.
Giám đốc tổ chức Gnosos (Anh) Ammar Waqqaf nhận định: “Điều thay đổi trong những năm gần đây là tầm ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Đông. Tầm ảnh hưởng này đã gia tăng và nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đã xích lại gần hơn với Nga”. Về phần Saudi Arabia, quan hệ với Nga còn tác động đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Nga có vị thế hoàn hảo để dàn xếp mối quan hệ đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tổng thống Putin ngày 13/10 cho biết: “Bởi vì Nga có mối quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Iran cùng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, do vậy chúng tôi có thể hỗ trợ chuyển thông điệp giữa các bên để họ lắng nghe quan điểm của nhau".
Sau chuyến thăm Saudi Arabia, ông chủ Điện Kremlin cũng tiếp tục chuyến công du Trung Đông đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này. Dư luận đánh giá chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Saudi Arabia và UAE lần này là một cơ hội nữa để Nga tiếp tục mở rộng vai trò của mình ở Trung Đông, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu.