Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 1/7, các nhà khoa học đề cập đến những thay đổi của diện tích băng ở Nam Cực trong giai đoạn 1979-2014 và 2014-2017. Trong giai đoạn đầu tiên, diện tích băng Nam Cực liên tục mở rộng, trái ngược với tình trạng thu hẹp trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cho đến nay, giới khoa học chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Theo chuyên gia khí hậu Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Claire Parkinson, chỉ riêng trong 4 năm (2014-2017), Nam Cực đã mất đi một diện tích băng tương đương với diện tích băng tại Bắc Cực bị tan chảy trong hơn 40 năm. Từ mức đỉnh cao 12,8 triệu km2, ngày nay, diện tích băng tại Nam Cực đã "hụt mất" 2 triệu km2 một cách bí ẩn, chưa có lời giải thích.
Nói cách khác, từ mức cao nhất trong 40 năm, diện tích băng tại Nam Cực đã xuống mức thấp nhất trong 40 năm chỉ trong vòng 4 năm.
Để có được kết luận trên, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu đo đạc bằng sóng âm của NASA và từ các vệ tinh quân sự trong các giai đoạn trên để có được một "bức tranh" chính xác nhất có thể về diện tích bề mặt băng, mà không phải độ dày lớp băng tại Nam Cực.
Có nhiều ý kiến cho rằng thay đổi trên là do sự biến đổi của vạn vật từ lỗ thủng ở tầng Ozone cho tới sự thay đổi của hướng gió và các dòng hải lưu. Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thuyết chưa được chứng minh.
Theo nhà đại dương học Douglas Martinson, trường Đại học Columbia, nên nghiên cứu về sự thu hẹp diện tích băng tại Nam Cực với Bắc Cực một cách riêng rẽ, thay vì đối chiếu hay so sánh kết quả vì các đặc điểm địa lý không tương đồng. Trong khi Bắc Cực là đại dương được bao bọc bởi đất liền, thì Nam Cực là lục địa được các đại dương bao xung quanh.
Không giống với Bắc Cực, khí hậu tại Nam Cực không bị ấm lên và đây vẫn là nơi lạnh nhất trên Trái Đất cũng như là nguồn cung cấp nước ngọt lớn nhất thế giới. Theo một nghiên cứu năm 2013, lượng núi băng đá ở Nam Cực nếu tan chảy hoàn toàn có thể khiến mực nước biển dâng cao 57m.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).