Trong 2 ngày làm việc, ngoài phiên họp toàn thể, còn diễn ra các phiên chuyên đề, hội đàm các cấp, các hoạt động kết nối kinh doanh, thảo luận nhóm cùng 20 sự kiện song song và bên lề, tập trung vào các ưu tiên hợp tác gồm chuyển đổi kinh tế, năng lượng, khai thác mỏ, an ninh lương thực, y tế và phát triển bền vững. Khoảng 1.500 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã tham gia chuỗi sự kiện này.
Tại các phiên làm việc, Indonesia và các nước châu Phi cùng các đối tác, các bên liên quan đã thảo luận các vấn đề hướng đến mục tiêu quan trọng hàng đầu là chuyển đổi hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 với hướng đi và tầm nhìn mới, chiến lược mới.
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc các phiên họp, ông Bogat Widyatmoko, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh của Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, cho biết các lĩnh vực được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn gồm: thúc đẩy sự tham gia của Nam bán cầu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh tăng trưởng xanh; tài chính cho SDG; vai trò của công nghệ trong phát triển bền vững, giảm phát thải toàn cầu; kết nối hậu cần hỗ trợ thương mại; đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng cho phát triển bền vững; trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nâng cao năng lực của thế hệ trẻ…
Trong khuôn khổ các hoạt động kết nối kinh doanh tại hai diễn đàn, Indonesia và các nước châu Phi đã đạt được tổng giá trị cam kết là 3,5 tỷ USD, tăng gấp hơn 6 lần so với kết quả tại diễn đàn đầu tiên được tổ chức năm 2018 (chỉ đạt 568 triệu USD). Trong đó, các cam kết này liên quan đến các lĩnh vực y tế, dược phẩm, vaccine (khoảng 94,2 triệu USD); năng lượng, cơ sở hạ tầng điện, khai thác khí đốt (1,4 tỷ USD) và lương thực, sản xuất phân bón (1,2 tỷ USD)…
Bà Amalia Adininggar Widiasanti, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, cho biết, trong khuôn khổ IAF lần này, Indonesia và các nước châu Phi cũng ký kết một số biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác chiến lược, như phát triển năng lượng địa nhiệt với Tanzania; thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ y tế với Ghana và nghị định thư (LOI) về việc mua và bảo trì máy bay với Congo và Senegal; Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chiến lược với Nam Phi, Congo, Senegal…
Trả lời phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Amalia nhấn mạnh kết quả cụ thể của diễn đàn thể hiện ở hiệu quả của các cuộc gặp gỡ và những hành động mang tính chuyển hóa trong chiến lược hợp tác. Hai bên đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đạt được những hợp tác cụ thể cũng như những kế hoạch tiếp theo trong tương lai. Bà nhấn mạnh diễn đàn này đã trở thành một khuôn khổ đoàn kết giữa Indonesia, châu Phi và các đối tác.