Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 2/8: Mexico xếp thứ 3 thế giới về ca tử vong; WHO lo dịch kéo dài

Tính tới 6 giờ sáng 2/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận gần 18 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 687.000 ca tử vong. Mexico đã xếp thứ ba thế giới về số ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 233.000 ca bệnh và trên 5.100 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 20/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia này tiếp tục có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua. Cụ thể là: Mỹ ghi nhận trên 54.000 ca bệnh mới; Ấn Độ có trên 54.000 ca; và Brazil có thêm trên 41.000 người mắc COVID-19.

Ba quốc gia này ghi nhận số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Mỹ (1.037 ca), Brazil (995 ca) và Ấn Độ (852 ca).

Tình hình dịch bệnh phức tạp ở nhiều nước khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan ngại về nguy cơ đại dịch kéo dài. Đây là nhận định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của tổ chức này để đánh giá về đại dịch, sáu tháng sau khi WHO ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo của WHO, ủy ban trên nhấn mạnh tới khả năng đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, đồng thời cảnh báo nguy cơ phản ứng khó khăn ở các nước dựa trên những sức ép kinh tế - xã hội. Thông báo cũng hối thúc WHO hỗ trợ các quốc gia trong việc chuẩn bị triển khai các liệu trình và vaccine đã được kiểm nghiệm. 

Ngoài ra, ủy ban trên cũng đề nghị WHO đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về chi tiết chưa rõ liên quan đến virus SARS-CoV-2, ví dụ như nguồn gốc có phải từ động vật hay khả năng lây truyền qua động vật. 

Theo thông báo, trong cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại Geneva, Tổng giám đốc của WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Ông nói: "Chỉ cách đây sáu tháng, khi được đề nghị về ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, COVID-19 có chưa tới 100 ca mắc bệnh và không có trường hợp thiệt mạng nào ngoài Trung Quốc. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới". 

Châu Mỹ

Mexico đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại Mexico City, Mexico ngày 22/7. Ảnh: THX/TTXVN

Từ ngày 31/7, Mexico đã vượt Anh trở thành nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ ba trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh đã tiến triển lên một mốc mới ở quốc gia Mỹ Latinh này. 

Mexico ngày 31/7 thông báo ghi nhận 688 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 46.688 ca trong tổng số 424.637 ca mắc COVID-19. Như vậy Mexico đã vượt Anh (nước hiện có 46.119 ca tử vong theo trang mạng Worldometers.info) trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil. Các số liệu này cũng cho thấy châu Mỹ đang là điểm nóng nhất và chịu nhiều tổn thất về người nhất thế giới trong đại dịch COVID-19.

Tính tới 6 giờ sáng 2/8 (giờ Việt Nam), Mexico có 424.637 ca mắc COVID-19, trong đó 46.688 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN

Bất chấp những diễn biến đáng lo ngại về dịch bệnh đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp ngăn chặn, Tổng thống Mexico Lopez Obrador tuyên bố sẽ chỉ đeo khẩu trang khi tình trạng tham nhũng tại nước này chấm dứt. Ông cũng cho biết nước này vẫn sẽ tổ chức lễ kỉ niệm ngày Độc lập 16/9 trên tiêu chí giãn cách xã hội. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Mexico City Claudia Sheinbaum cho biết thành phố sẽ vẫn duy trì giai đoạn cảnh báo cao thứ hai đối với mở cửa trở lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội, sau khi đưa ra cảnh báo hồi tuần trước về khả năng số ca nhiễm gia tăng cho đến tháng 10.

Mỹ ghi nhận trên 25.000 ca tử vong trong tháng 7

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 26/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tháng 7, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã tăng trên 25.000 ca và số ca nhiễm tăng gấp đôi ở 19 bang của nước này. Mỹ ghi nhận 1,87 triệu ca nhiễm trong tháng 7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 4,7 triệu ca, tăng 69%. Trong khi đó, số ca tử vong trong tháng 7 tăng 20%, lên trên 157.000 ca. 

Mức tăng cao nhất trong tháng 7 được ghi nhận ở Florida với trên 310.000 ca nhiễm mới. Tiếp đến là bang California và Texas với mỗi bang có thêm khoảng 260.000 ca. Ba bang này đều ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi trong tháng 6. 

Trong khi đó, bang Connecticut, Massachusetts, New Jersey và New York là những nơi có mức tăng thấp nhất với số ca nhiễm mới tăng 8% hoặc ít hơn. Còn tại bang Arizona, Florida và Texas, tình hình dịch bệnh có vẻ ổn định sau khi tăng mạnh về số ca nhiễm. Giới chức y tế Mỹ lo ngại dịch bệnh đã chuyển sang khu vực Trung Tây từ những người tới đây nghỉ hè.

Giới chức y tế Mỹ cho biết hàng trăm trẻ em đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một trại hè ở bang Georgia hồi tháng trước. Trong số 597 em tham dự trại hè có ít nhất 260 em nhiễm virus SARS-CoV-2 và con số này dự báo sẽ cao hơn vì đến nay mới có kết quả xét nghiệm của 58% trong số này. 

Chú thích ảnh
Trẻ em Mỹ tham gia trại hè trong tháng 7. Ảnh: AP

Trại hè này đã không thực hiện khuyến cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) là tất cả mọi tham gia trại hè phải đeo khẩu trang, mà chỉ yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang. Tuy nhiên, trại hè tuân thủ sắc lệnh hành pháp của bang Georgia là yêu cầu toàn bộ mọi người tham gia phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ít nhất 12 ngày trước khi tới tham dự trại hè và áp dụng các biện pháp phòng dịch khác như giữa khoảng cách, khử trừng bề mặt, chia thành các nhóm cùng độ tuổi... Các em tham gia trại hè ở lứa tuổi từ 6 đến 19 tuổi. 

Theo CDC, vụ lây nhiễm này là một bằng chứng cho thấy trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đóng một vai trò quan trọng trong lây truyền bệnh.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết các trường học trong thành phố sẽ không mở cửa trở lại để giảng dạy trực tiếp nếu tỉ lệ nhiễm ở thành phố này vẫn duy trì ở mức dưới 3%. Theo ông Blasio, thành phố sẽ theo dõi tỉ lệ nhiễm bệnh để quyết định khi nào có thể mở cửa lại trường học và triển khai niên học 2020-2021. Tỉ lệ nhiễm bệnh ở New York vẫn ổn định ở mức khoảng 2% trong vài tuần qua và 1% vào ngày 31/7.

Argentina kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 16/8

Chú thích ảnh
Người dân đi bộ trên phố ở Buenos Aires, Argentina ngày 17/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cho biết sẽ kéo dài lệnh phong tỏa bắt buộc cho đến ngày 16/8 do số ca nhiễm tại nước này tiếp tục gia tăng. Lệnh phong tỏa hiện hành sắp hết hiệu lực vào ngày 2/8.

Ngày 1/8, Tổng thống Alberto Fernandez đã hối thúc người dân nước này ở nhà để ngăn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan. Phát biểu trên chương trình của đài phát thanh El Destape, ông Fernandez cho biết cứ sau 24 ngày, số người chết vì COVID-19 ở Argentina lại tăng gấp đôi và đây là thực tế không thể phớt lờ. Theo ông, cách duy nhất để tránh bị nhiễm bệnh là hãy ở nhà vì khi lưu lượng đi lại tăng, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng.

Kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hôm 3/3, đến nay Argentina đã có 191.302 ca mắc COVID-19, khiến 3.558 người tử vong. Nước này hiện đứng thứ 19 thế giới về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đứng thứ 4 ở Nam Mỹ. Số người đang phải điều trị ở nước này là 101.245 người, trong đó có 1.104 ca bệnh nặng.    

Puerto Rico gia hạn thêm 2 tuần các biện pháp phòng dịch    

Chú thích ảnh
Y tá khử trùng thiết bị tại Loiza, Puerto Rico. Ảnh: AFP

Người đứng đầu vùng lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ, Wanda Vaquez Garced cho biết sẽ kéo dài thêm 2 tuần các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, theo đó các quán bar, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim trên toàn vùng lãnh thổ này sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 15/8. Các bãi biển vẫn đóng cửa vào ngày Chủ nhật, song mở cửa vào các ngày khác trong tuần chỉ để phục vụ người dân tập thể dục như bơi lội, lướt ván và chạy.

Việc đeo khẩu trang tiếp tục là biện pháp bắt buộc và những người không tuân thủ quy định này sẽ bị bắt. Lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau sẽ vẫn có hiệu lực và các cuộc tiệc tùng hay tụ tập không được phép tổ chức tại các nhà thuê ngắn hạn. 

Vùng lãnh thổ này của Mỹ gồm 3,2 triệu dân đã ghi nhận hơn 5.900 ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 219 ca tử vong.

Châu Á

Trung Quốc: Hong Kong mở bệnh viện dã chiến

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 27/7. Ảnh: THX/TTXVN

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cùng ngày đã mở một bệnh viện dã chiến với 500 giường nhằm tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh thành phố này đang nỗ lực chống chọi với một làn sóng lây nhiễm mới. Bệnh viện dã chiến được dựng lên tại trung tâm triển lãm AsiaWorld-Expo, gần sân bay. Nơi đây sẽ tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 từ 18-60 tuổi. 

Trung tâm tài chính Hong Kong đã từng là hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch, với việc các ca lây truyền trong cộng đồng đã kết thúc từ đầu mùa hè. Tuy nhiên, từ tháng 7, mầm bệnh đã trở lại. Trên 2.000 ca nhiễm đã được ghi nhận từ đầu tháng 7, tương đương 60% tổng số ca nhiễm tại đặc khu này kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên cuối tháng 1.

Trong ngày 1/8, Hong Kong đã ghi nhận 125 ca nhiễm. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp thành phố này ghi nhận trên 100 ca nhiễm mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.396. Số ca tử vong tăng 7 ca trong ngày 1/8, lên tổng số 31 ca.

Nhật Bản: Số ca nhiễm COVID-19 ở Tokyo lên tới gần 500 người/ngày 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 1/8, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã phát hiện 472 ca mắc COVID-19. Đây là mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020 và là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới liên tục phá đỉnh.

Như vậy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Tokyo cho đến thời điểm này là 13.163 người, trong đó chỉ riêng trong tháng 7 đã có 6.466 người mắc mới, mức cao nhất trong một tháng.

Trong bối cảnh Tokyo đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, kể từ ngày 1/8, chính quyền thủ đô Tokyo đã một lần nữa yêu cầu các quán bar và cửa hàng karaoke đóng cửa sớm (vào lúc 22 giờ tối). Bên cạnh đó, theo Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, chính quyền thành phố có thể sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh khác đóng cửa sớm hơn. Ngoài ra, bà Koike cảnh báo: “Nếu tình hình tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô”.

Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cuối tháng 5 sau khi dường như đã kiểm chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã bùng phát trở lại một cách đáng lo ngại, đặc biệt kể từ tuần trước, ngay khi chính phủ bắt đầu chương trình hỗ trợ người dân đi du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch nội địa.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga vẫn nhắc lại lập trường của chính phủ rằng Nhật Bản không cần tái áp đặt tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Tuy nhiên, ngày 1/8, tỉnh Okinawa đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân ở nhà trong 2 tuần trong bối cảnh địa điểm du lịch nổi tiếng này đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng. 

Châu Âu    

Nga xem xét khôi phục toàn bộ chuyến bay quốc tế từ ngày 11/8

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 13/7. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức Nga đang thảo luận về khả năng nối lại toàn bộ các chuyến bay quốc tế với các quốc gia khác từ ngày 11/8, song vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin nói: "Việc mở các chuyến bay đến tất cả các quốc gia từ ngày 11/8 đang được thảo luận". Theo nguồn tin thứ hai, ý tưởng này mới đây đã được thảo luận tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Tatyana Golikova.

Công dân nước ngoài khi đến Nga cần phải có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 khi lên máy bay. Giấy chứng nhận này cũng sẽ cần thiết đối với người quá cảnh qua Nga. Quy định này đã được Cơ quan vệ sinh dịch tễ nhà nước Nga công bố trên cổng thông tin pháp lý.

Do nguy cơ lây lan dịch COVID-19, từ cuối tháng 3, Nga đã hạn chế hoạt động vận tải hàng không quốc tế. Ngoại lệ duy nhất là các chuyến bay đưa người Nga bị kẹt ở nước ngoài về nước cũng như đưa các công dân nước ngoài cần được về quê hương. 

Hy Lạp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngoài trời

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Athens, Hy Lạp ngày 12/6. Ảnh: THX/TTXVN

Thứ trưởng Bộ bảo vệ dân sự Hy Lạp Nikos Hardalias cho biết nước này sẽ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở cả những không gian công cộng ngoài trời, nơi không thể tuân thủ giãn cách xã hội phù hợp. 

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp tính tới sáng 2/8 ghi nhận 110 ca nhiễm, mức cao nhất trong 2 tháng qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 4.587 ca, trong đó có 206 ca tử vong, con số tương đối thấp so với nhiều nước khác ở châu Âu sau khi Hy Lạp sớm áp đặt lệnh phong tỏa vào mùa xuân. 

Trước đó, ngày 21/7, giới chức y tế Hy Lạp đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các siêu thị và các phương tiện giao thông công cộng. Tiếp đó, ngày 28/7, Hy Lạp quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các không gian công cộng kín nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan. 

Giới chức nước này cũng sẽ cấm các chuyến thăm tới viện dưỡng lão, bệnh viện cho đến giữa tháng 8, giới hạn số người tham gia đám cưới, đám tang và lễ rửa tội ở mức 100 người. Trong số các biện pháp hạn chế khác có hiệu lực vào tháng 8 gồm không cho phép khách hàng đứng ở quầy bar, câu lạc bộ ban đêm hay các buổi phục vụ nhạc sống và sẽ cấm tổ chức lễ hội ở ngoài trời cho đến cuối tháng 8.

Pháp bắt đầu xét nghiệm du khách từ 16 nước 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Quiberon, Pháp ngày 27/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Như thông báo được Thủ tướng Jean Castex đưa ra hồi tháng trước, kể từ ngày 1/8, du khách từ 16 nước khi tới Pháp sẽ phải xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay và cảng ở nước này. 

Trước đó, Pháp cho biết du khách tới từ danh sách các nước đã được Paris thông qua sẽ phải xét nghiệm COVID-19, trong đó những ai có kết quả dương tính sẽ phải cách ly trong 14 ngày. 

Tại sân bay Charles de Gaulle Airport ở thủ đô Paris, các hoạt động xét nghiệm đã được tiến hành như thông báo. 

Trước đó, giới chức y tế Pháp thông báo số lượng ca mới mắc COVID-19 vẫn tăng trong những ngày qua. Chính phủ Pháp đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng trong nhà. 

Tính tới sáng 2/8, Pháp ghi nhận 187.919 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.265 trường hợp thiệt mạng.

Châu Phi: Nam Phi có hơn nửa triệu người mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi ngày 10/7. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize  ngày 1/8 cho biết  số ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt quá 500.000 người.

Theo số liệu thống kê, tính đến sáng 2/8, Nam Phi đã ghi nhận 503.290 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.153 ca tử vong. So với một ngày trước đó, Nam Phi có thêm 10.107 ca mắc và 148 ca tử vong. Nước này đã chữa khỏi bệnh cho 342.461 người và vẫn còn 152.676 ca bệnh đang phải điều trị.

Với hơn nửa triệu người mắc COVID-19, Nam Phi hiện đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu châu Phi về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này chiếm xấp xỉ 71% số ca mắc mới ở châu Phi và gần 5% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 hết 1/8 tại ASEAN: Philippines phá kỷ lục ca mắc/ngày, Thái Lan quyết ngăn chặn các vụ nhập cư trái phép
COVID-19 hết 1/8 tại ASEAN: Philippines phá kỷ lục ca mắc/ngày, Thái Lan quyết ngăn chặn các vụ nhập cư trái phép

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 1/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 274.340, trong đó 7.454 người tử vong. Số ca mắc ở Philippines ngày một tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN