Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.186.837 ca, trong đó có 333.976 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.077.987 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 45.607 và 2.774.874 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, thế giới có 2 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Mỹ (1.284 ca) và Brazil (1.153 ca). Nước Anh chứng kiến số ca tử vong tăng cao trở lại với 338 trường hợp; trong khi ở Trung Mỹ, Mexico ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến trong ngày với 424 ca.
Peru cũng có nguy cơ trở thành ổ dịch mới khi ghi nhận 124 ca tử vong trong vòng 1 ngày qua, nâng tổng số ca thiệt mạng tại quốc gia Nam Mỹ này lên 3.148 trên tổng số 108.769 ca mắc bệnh.
Mỹ, Nga và Brazil vẫn là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới tính theo ngày, trong đó "Xứ sở Samba" có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây. Brazil đã có tổng cộng 310.087 ca mắc COVID-19, trong khi nhà chức trách nước này vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh.
Mỹ vẫn là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 1.284 ca tử vong và 25.964 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng và nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 96.220 ca và 1.618.687 ca.
Tính đến nay, bang New York tiếp tục là tâm dịch tại Mỹ, khi bang này ghi nhận trên 28.540 ca tử vong vì COVID-19 và tổng số ca nhiễm bệnh trên 359.200 người. Thị trưởng Bill de Blasio ngày 21/5 tuyên bố sẽ cung cấp 1,5 triệu suất ăn miễn phí cho người dân mỗi ngày kể từ tuần tới, sau khi nhận được báo cáo hiện khoảng 2 triệu người dân tại thành phố New York không có đủ đồ ăn. Thành phố New York có khoảng 8 triệu dân và như vậy có nghĩa rằng cứ 4 người dân thì có 1 người thiếu lương thực.
Trong hai tháng qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây, giới chức thành phố đã cung cấp 32 triệu bữa ăn miễn phí cho người dân bởi lệnh phong tỏa đã khiến các hoạt động kinh tế tại New York tê liệt.
Cùng ngày, Thị trưởng de Blasio cũng cho biết thành phố đang điều tra 159 ca bệnh viêm trẻ em liên quan tới virus SARS-CoV2, con số này tăng gấp đôi so với tuần trước. Ông cũng kêu gọi người dân hiến máu giúp người bệnh và chính ông đã tình nguyện hiến máu ngày 21/5 sau khi Trung tâm Máu New York phát đi thông báo khẩn cho biết các ngân hàng máu của New York hiện chỉ còn đủ dùng trong 1 đến 3 ngày tới.
Trong diễn biến khác, từ ngày 22/5, các bãi biển tại thành phố New York sẽ được mở lại cho người dân đi bộ hoặc chạy thể dục nhưng không được tập trung đông người.
Với 166.805 ca tử vong trong tổng số 1.848.303 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, châu Âu hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Anh là quốc gia có số ca tử vong cao nhất tại cựu lục địa, tiếp theo là Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Nga là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, song số ca tử vong ở quốc gia châu Âu này vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của LB Nga cho biết, tính đến sáng 22/5 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm 8.849 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 84 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 317.554 người. Trong số các ca nhiễm mới, 42% trường hợp không có biểu hiện lâm sàng.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận 127 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên thành 3.099 trường hợp. Ngoài ra, có thêm 7.289 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số ca khỏi bệnh lên 92.681 trường hợp. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất với 2.913 người, đưa tổng số ca mắc bệnh tại thủ đô nước Nga lên 155.219 người.
Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin ngày 21/5 đã ký quyết định bước đầu nới lỏng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại thành phố có số lượng người mắc COVID-19 chiếm gần một nửa ở LB Nga.
Trên trang web cá nhân chính thức, Thị trưởng Sobyanin cho biết số trường hợp mới nhiễm virus bắt đầu giảm. Số người phục hồi, được xuất viện hiện nhiều hơn số người được đưa vào điều trị trong phòng cách ly. Ông nêu rõ với điều kiện này, Moskva có thể tiếp tục nới lỏng từng bước hoạt động kinh tế và nối lại hoạt động của các tổ chức trong thành phố.
Theo quyết định trên, bắt đầu từ ngày 21/5, các chủ doanh nghiệp ở Moskva có thể nhận được quyền cấp thẻ thông hành điện tử cho nhân viên song vẫn phải giảm thiểu sự hiện diện của đội ngũ này tại nơi làm việc.
Trong 1 ngày qua, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất châu Âu với 338 trường hợp, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch tại nước này lên 36.042 ca. Xứ sở sương mù cũng ghi nhận thêm 2.615 ca dương tính, nâng tổng số người mắc bệnh lên 250.908.
Vùng Scotland thông báo sẽ "nới lỏng một cách thận trọng" các biện pháp phong tỏa chống dịch kể từ tuần tới. Theo đó, một số hoạt động ngoài trời tại những khu vực có số ca mắc và tử vong giảm liên tục và đáng kể sẽ được phép mở cửa trở lại.
Kể từ ngày 28/5, các hoạt động thể thao như đánh golf, tennis và câu cá sẽ được phép hoạt động trở lại. Ngoài ra, người dân cũng được phép gặp gỡ một người khác, không phải trong gia đình mình. Những hạn chế đi lại cũng sẽ được nới lỏng đối với những người đi du lịch tại những điểm tham quan gần nhà. Các hoạt động kinh doanh như trung tâm giống cây trồng và công trường xây dựng sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các cửa hàng không thiết yếu, quán cà phê, quán rượu vẫn chưa được phép mở cửa.
Dù chưa nối lại tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, song những thay đổi này sẽ đưa xứ Scoland trở lại gần với cuộc sống bình thường, giống các khu vực khác của Vương Quốc Anh, đã nới lỏng các hạn chế chống dịch từ tuần trước
Ở Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 21/5 cho biết quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận thêm 642 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 228.006 người - nhiều thứ 6 thế giới sau Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil.
Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy cùng ngày đã tăng thêm 156 trường hợp, lên 32.486 người - đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh.
Bên cạnh đó, Italy có thêm 2.278 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số ca được điều trị thành công lên 134.560 người. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 thuộc diện điều trị đặc biệt ở nước này tiếp tục giảm thêm 36 người, hiện là 640 trường hợp.
Đức trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 39 ca tử vong và 490 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 179.021 và 8.309 trường hợp.
Truyền thông Đức ngày 20/5 đưa tin, sau các cuộc thảo luận căng thẳng và trì hoãn, Chính phủ Đức đã nhất trí ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn với ngành công nghiệp thịt sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại lò mổ ở một số địa phương.
Trong đó, các quy tắc mới được chính phủ Đức áp dụng nhằm điều chỉnh đối với các nhà thầu phụ và tìm cách củng cố quyền lợi cho người lao động nhập cư trong ngành công nghiệp thịt. Các quy định mới đối với ngành công nghiệp thịt của Đức dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo luật và phải được Quốc hội nước này phê chuẩn.
Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Tính đến sáng 22/5, nước này đã ghi nhận 280.117 người nhiễm COVID-19 (tăng 593 ca so với ngày 21/5) và 27.940 người tử vong vì bệnh dịch này (tăng 52 ca so với một ngày trước).
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực với số ca nhiễm và tử vong trong ngày liên tục giảm, Tây Ban Nha đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Từ ngày 21/5, Tây Ban Nha thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi các hoạt động tự do đi lai khiến các biện pháp giãn cách xã hội khó được đảm bảo.
Tuy nhiên, để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục áp dụng những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt. Ngày 20/5, với 177 phiếu thuận, 162 phiếu chống và 11 phiếu trắng, Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Chính phủ nước này kéo tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 2 tuần. Theo đó, các biện pháp hạn chế mà nước này triển khai nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ có hiệu lực đến ngày 6/6.
Đây là lần thứ 5 Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp kể từ lần đầu tiên ban bố lệnh này vào ngày 14/3. Quyết định gia hạn này nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Tây Ban Nha. Theo một kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu xã hội học Tây Ban Nha, có tới 95% công dân Tây Ban Nha được hỏi ý kiến cho biết họ ủng hộ biện pháp phong tỏa.
Tại Pháp, dịch bệnh đang theo chiều hướng thuyên giảm. Cơ quan y tế nước này ngày 21/5 thông báo ghi nhận 251 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 83 ca tử vong. Tới nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 181.826 ca mắc bệnh và 28.215 người tử vong vì đại dịch COVID-19.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai ở nước này hiện ở mức thấp, đồng thời cho biết chính quyền Ankara đang chuẩn bị mở dịch vụ du lịch y tế giống như nhiều nước khác trên thế giới. Bộ này cho rằng nếu người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang thì quốc gia này sẽ không bùng phát đợt dịch thứ hai.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tích cực theo dõi tình hình dịch bệnh và các kịch bản cho đến tháng 10 tới, đồng thời sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết trong trường hợp bùng phát đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp theo.
Hiện số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống dưới 1.000 ca mỗi ngày, so với khoảng 4.500 ca/ngày hồi tháng trước, trong khi tổng số ca tử vong do bệnh này là hơn 4.100 trường hợp.
Còn tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/5 đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 ở 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. Ông cũng cho biết tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể dỡ bỏ sớm nhất vào ngày 25/5 tới.
Lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay có hiệu lực tới ngày 31/5. Một trong những tiêu chí quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở một địa phương đó là tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người dân tại đó phải bằng hoặc thấp hơn 0,5 trong 7 ngày liên tiếp. Cho đến thời điểm này, ba tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo đều đã đáp ứng được tiêu chí trên.
Hiện số ca mắc COVID-19 mới ở Tokyo và các tỉnh lân cận đang có xu hướng giảm. Riêng tại thủ đô Tokyo ngày 20/5 chỉ ghi nhận thêm 5 ca mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở thành phố này nằm dưới ngưỡng 30. Tuy nhiên, Tokyo hiện là địa phương có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Nhật Bản với 5.075 ca, không kể các công dân Nhật Bản hồi hương từ thành phố Vũ Hán, cũng như các du khách nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess, trong đó vẫn còn 887 người đang được chữa trị.
Tại Trung Quốc, sau hơn 2 tháng hoãn do đại dịch COVID-19, chiều 21/5, Kỳ họp lần thứ 3, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp) đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Cùng ngày, Ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc, điểm khởi phát dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, cho biết không ghi nhận thêm ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 nào ở tỉnh này trong ngày 20/5. Điểm nóng dịch bệnh trong vài tuần trở lại đây tại Trung Quốc là tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga, trong ngày 20/5 cũng không ghi nhận ca nhiễm mới hay nhiễm mà không có triệu chứng nào.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5 đã có cuộc họp với chủ tịch ủy ban giám sát tài chính và các bộ trưởng liên quan đến kinh tế để bàn về giải pháp khắc phục ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Cuộc họp cũng có sự tham gia của 17 đại diện 9 ngành công nghiệp nền tảng như: hàng không, vận tải đường biển, máy móc và ô tô...
Phát biểu tại cuộc họp trên, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh hiện không chỉ có riêng ngành dịch vụ mà các ngành công nghiệp nền tảng của Hàn Quốc cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường việc làm.
Tới sáng 22/5, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đã hạ nhiệt và nước này chỉ ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 264 ca, trong tổng số 11.122 trường hợp mắc COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 22/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.688 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.
Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Singapore ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2; Timor Leste không còn bệnh nhân nào, trong khi Campuchia ghi nhận một ca dương tính sau nhiều ngày không phát sinh ca bệnh nào.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.318 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 29.316 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 973 ca, một trong những ngày có nhiều ca mắc mới nhất. Indonesia đã trở thành “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore ngày 21/5 cũng ghi nhận 1 ca tử vong sau nhiều ngày kiềm chế tốt số ca tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Tại Australia, bang New South Wales, địa phương đông dân nhất của Australia, đang xúc tiến kế hoạch nhằm dỡ bỏ hạn chế biên giới đối với sinh viên quốc tế trong nỗ lực “cứu” các trường đại học khỏi nguy cơ sụp đổ.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian ngày 21/5 cho biết hệ thống kiểm dịch, được sử dụng để kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho 15.000 người Australia ở nước ngoài quay trở lại quê nhà, đã hoạt động hiệu quả.
Tới nay, Australia ghi nhận tổng cộng 7.081 ca mắc COVID-19, trong đó có 100 người thiệt mạng.
Ngày 21/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, tính đến chiều cùng ngày, số trường hợp được xác nhận mắc dịch bệnh COVID-19 tại châu lục này đã vượt qua 95.000 ca.
Trong báo cáo mới nhất, CDC Châu Phi - một cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh Châu Phi (AU), cho biết số trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 trên khắp lục địa trong 24 giờ qua tăng 3.603 ca. Ngoài ra, số người tử vong vì dịch bệnh này tăng 85 ca, nâng tổng số ca tử vong tại châu lục này lên 2.997 người. Bên cạnh đó, 38.075 người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi.
Theo CDC châu Phi, dịch COVID-19 đã lan rộng ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó Bắc Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhất của lục địa cả về số ca nhiễm và số người chết. Ai Cập và Algeria hiện là 2 quốc gia châu Phi có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu lục.