Ông Ilunga đã giám sát chiến dịch chống Ebola trong gần một năm qua. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Văn phòng Tổng thống Felix Tshisekedi tuyên bố sẽ giao nhiệm vụ giám sát chiến dịch này cho một đội ngũ khác, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên tổng thống.
Trong lá thư gửi tới Tổng thống Tshisekedi, Bộ trưởng Y tế Oly Ilunga cho biết vì tổng thống quyết định nắm quyền trực tiếp điều hành chiến dịch chống Ebola toàn quốc nên ông quyết định từ chức Bộ trưởng Y tế.
Ông còn chỉ trích việc cho phép sử dụng một loại vaccine chống Ebola thứ hai do Johnson & Johnson sản xuất vào chương trình tiêm phòng của quốc gia này đồng thời cáo buộc loại vaccine này chưa được cấp phép và việc sử dụng sẽ gây hoang mang cho người dân.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi sử dụng loại vaccine mà Johnson & Johnson khẳng định là an toàn và đã trải qua giai đoạn thử nghiệm lần thứ nhất này. Hiện Bộ Y tế CHDC Congo đang lưu hành loại vaccine phòng Ebola do Merck sản xuất và đã tiêm phòng cho khoảng 170.000 người.
Dịch Ebola bùng phát trở lại tại CHDC Congo từ tháng 8/2018 và tới nay đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và hơn 800 người nhiễm virus. Đây được coi là vụ bùng phát dịch nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, các nỗ lực kiểm soát dịch hiện gặp nhiều khó khăn vì các lực lượng phiến quân liên tục tấn công các trung tâm điều trị cũng như tâm lý nghi kị từ những người dân địa phương với các đội hỗ trợ y tế.
Ngày 17/7, WHO đã công bố dịch Ebola ở CHDC Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, nhằm huy động thêm nguồn tài chính để có thể xử lý virus chết người này sau gần 1 năm dịch bệnh Ebola đã hoành hành ở đất nước vốn xảy ra chiến tranh liên miên.