Tuy nhiên, đợt dịch vẫn chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí của một trường hợp cảnh báo quốc tế về sức khoẻ cộng đồng (PHEIC).
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi - Trung Đông, đây là cuộc họp thứ 3 của Ủy ban kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 8/2018 tại CHDC Congo. Hai lần trước đây diễn ra vào tháng 10/2018 và tháng 4/2019. Mặc dù có một số xu hướng dịch tễ học tích cực, Ủy ban đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi có sự lan rộng và tái nhiễm ở các khu vực như Mabalako, nơi có tình hình an ninh phức tạp. Mặt khác, công tác đối phó với dịch bệnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thiếu hụt về nguồn kinh phí cũng như nhân lực.
Trước đó, ngày 11/6, Uganda, nước láng giềng của CHDC Congo đã ghi nhận trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên và đến nay đã có 2 bệnh nhân tử vong vì vi rút này. Uganda đã phối hợp với WHO để có phản ứng nhanh và kịp thời ban đầu để ngăn chặn dịch bệnh ran rộng. WHO đánh giá cao sự phối hợp giữa CHDC Congo và Uganda.
Ủy ban các quy định khẩn cấp về sức khỏe quốc tế kêu gọi CHDC Congo tiếp tục đẩy mạnh và cải thiện công tác sàng lọc các trường hợp mắc bệnh Ebola xuyên biên giới, đồng thời khuyến nghị các nước có nguy cơ cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các vụ việc tương tự như ở Uganda.
WHO cũng đề nghị các nước tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là tại khu vực biên giới, nơi thường xuyên có sự luân chuyển của người dân, vào công tác phòng ngừa dịch bệnh lây lan.