Đây là tuyên bố được Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong cuộc họp báo ngày 6/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Theo Tiến sĩ Ryan, khoảng 2.025 trường hợp nhiễm bệnh và 1.357 ca tử vong đã được ghi nhận ở CHDC Congo kể từ khi dịch bệnh này bùng phát hồi tháng 8/2018 tại tỉnh Bắc Kivu và Ituri. Đây là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014-2016 cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người ở nước này.
Trong hai tuần qua, 88 ca nhiễm Ebola đã được ghi nhận, giảm so với con số kỷ lục 126 ca/tuần hồi tháng 4. Tuy nhiên, các nhân viên WHO vẫn đang theo dõi và kiểm tra 15.000 người tiếp xúc với người bệnh hằng ngày bởi thực tế đại dịch này vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Hiện dịch vẫn lây lan nhanh ở khu vực nông thông Mabalako.
Khoảng 90% số người có khả năng bị phơi nhiễm với virus đồng ý tiêm vaccine, trong khi 10% số người còn lại không đồng ý. Tính đến nay, hơn 130.000 người đã được tiêm vaccine phòng virus Ebola.
Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.
Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán.