Phát biểu tại phiên họp thường niên của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh Ebola không trừ một ai và là "kẻ thù" của tất cả mọi người. Người đứng đầu WHO cho biết ông đã có cuộc gặp với Tổng thống CHDC Congo và lãnh đạo các phe phái chính trị đối lập nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận song phương ngăn chặn dịch bệnh này. Ông khẳng định chỉ với sự đoàn kết nội bộ, CHDC Congo mới có thể ngăn chặn bệnh Ebola, nếu không dịch bệnh sẽ bùng phát với quy mô rộng hơn, gây tốn kém và nguy hiểm hơn.
Tổng Giám đốc WHO cũng hoan nghênh những nỗ lực của CHDC Congo trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh Ebola, trong đó có chiến dịch tiêm chủng cho hơn 120.000 người, nhờ đó đã hạn chế được dịch tại tỉnh North Kivu và tỉnh lân cận Ituri.
Tuy vậy, ông Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh Ebola vẫn "rất cao" tại nước này. Ông gọi đây là một trong những nguy cấp về y tế phức tạp nhất mà con người phải đối mặt, đồng thời chỉ ra rằng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại tỉnh North Kivu, khu vực vốn phải hứng chịu các cuộc xung đột.
Theo ông, đây không đơn thuần là cuộc chiến ngăn chặn một loại virus, mà là cuộc chiến chống sự bất ổn, bạo lực, sai lệnh về thông tin và mọi vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế sẽ chỉ tạo thêm "thuận lợi" cho virus Ebola lây lan.
Kể từ khi đợt dịch Ebola thứ 10 được CHDC Congo công bố ngày 1/8/2018, có 1.632 người đã được xác nhận là nhiễm bệnh và 1.136 người tử vong. Đây chính là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014-2016 cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người ở Tây Phi. Nỗ lực đẩy lùi sự bùng phát bệnh Ebola tại CHDC Congo đã bị cản trở do thường xảy ra xung đột vũ trang và các vụ tấn công nhằm vào các đoàn chuyên gia y tế tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán.