Tuyên bố của WHO nêu rõ, với các thỏa thuận mua vaccine mới đạt được với hãng Pfizer cũng như những công tác đánh giá đang được triển khai để phê duyệt vaccine tiềm năng do hãng AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford (Anh) phát triển, WHO dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 2 tới theo cơ chế COVAX - cơ chế phân bổ đảm bảo cả những nước có thu nhập thấp và trung bình cũng sẽ có vaccine.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine đầu tiên trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để chống đại dịch COVID-19. Trong khi đó, theo một thỏa thuận hiện có, gần 150 triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford đã sẵn sàng được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu, sau khi WHO hoàn tất đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Đây là những nỗ lực mới nhất của WHO trong bài toán đảm bảo công bằng trong nguồn cung vaccine trên toàn cầu. Hồi đầu tuần này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã chỉ trích các nhà sản xuất vaccine tạo điều kiện cho các nước giàu mua hết nguồn cung vaccine sẵn có.
Cơ chế COVAX đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ đảm bảo đủ cung cấp số lượng vaccine ngừa COVID-19 cho 20% dân số (thuộc nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương nhất) ở mỗi quốc gia trên thế giới, dù là nước giàu hay nước nghèo. Với COVAX, 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và dưới mức trung bình tham gia cơ chế này sẽ được tài trợ vaccine, trong khi đối với các nước giàu hơn, cơ chế này sẽ hoạt động như một chính sách hỗ trợ bảo hiểm. Để sẵn sàng triển khai kế hoạch này, COVAX hiện đã ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm để mua 2 tỷ liều vaccine và đảm bảo quyền mua thêm 1 tỷ liều.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh: "Vaccine mang lại cho tất cả chúng ta hy vọng chấm dứt đại dịch và đưa kinh tế vào lộ trình phục hồi. Nhưng chúng ta chỉ có thể chấm dứt đại dịch khi chúng ta xóa sổ dịch bệnh này ở mọi nơi trên thế giới. Và để làm được điều đó, chúng ta cần mọi quốc gia thành viên, mọi đối tác và mọi nhà sản xuất vaccine cùng hợp lực".