Phát biểu với truyền thông vào ngày 29/12, Bộ trưởng Budi cho biết một khi các thỏa thuận này được ký kết, Indonesia sẽ có số lượng liều vaccine tối thiểu cần thiết để có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Thông báo trên là bước đột phá lớn đầu tiên của ông Budi kể từ khi được bổ nhiệm hồi tuần trước thay thế cựu Bộ trưởng Terawan Agus Putranto - người phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích về cách thức phản ứng tồi tệ trước đại dịch COVID-19.
Theo thống kê chính thức mới nhất của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19, trong 9 tháng kể từ khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên, Indonesia đã ghi nhận hơn 727.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó hơn 21.000 ca tử vong.
Bộ trưởng Budi cho biết ít nhất 181 triệu người trong tổng số 269 triệu dân Indonesia sẽ cần được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng mong muốn. Theo ông Budi, với giả định mỗi người cần hai mũi tiêm và 15% hao hụt theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Indonesia sẽ cần tổng cộng 426 triệu liều vaccine COVID-19.
Cho đến nay, chính phủ Indonesia đã nhận được bảo đảm cung ứng 125 triệu liều vaccine COVID-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc và 130 triệu liều khác từ công ty Novavax có trụ sở tại Mỹ.
Các nhà phê bình bày tỏ lo ngại rằng Indonesia đang đặt quá nhiều hy vọng vào vaccine CoronaVac của Sinovac, trong đó 1,2 triệu liều đầu tiên đã được chuyển đến nước này hồi đầu tháng. Khác với các loại vaccine tiềm năng đã cho thấy hiệu quả đầy hứa hẹn từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, dữ liệu cuối cùng về loại vaccine này của Sinovac vẫn chưa được công bố.
Bộ trưởng Budi cho biết chính phủ sẽ sớm ký hợp đồng mua 100 triệu liều vaccine với AstraZeneca, trong đó một nửa là đơn hàng được chốt. Indonesia dự kiến cũng sẽ ký một thỏa thuận tương tự mua 100 triệu liều vaccine của BioNTech-Pfizer, trong đó 50 triệu liều đã được chốt và phần còn lại là đơn hàng tùy chọn.
Theo Bộ Y tế Indonesia, thỏa thuận với AstraZeneca có thể sẽ được ký kết trong những ngày tới, trong khi thỏa thuận với Pfizer dự kiến sẽ được hoàn tất vào đầu năm sau. Việc đàm phán mua thêm vaccine được tính toán dựa trên kỳ vọng rằng Indonesia sẽ nhận được vaccine một số nguồn cung như Cơ chế COVAX - một sáng kiến đa phương do WHO, liên minh vaccine GAVI và Liên minh vì đổi mới về chuẩn bị dịch bệnh (CEPI) dẫn đầu. Sáng kiến này đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021.
Ông Budi cho biết số liều vaccine mà Indonesia nhận được từ COVAX vẫn chưa được chốt, song có thể đủ liều cho 3% dân số, tương đương với 16 triệu liều, hoặc 20% dân số, tương đương với khoảng 100 triệu liều. Đây là lý do Indonesia đã chuẩn bị hợp đồng với các lựa chọn khác nhau từ 4 nhà cung cấp vaccine.
Theo kế hoạch của chính phủ, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng Một tới, hoặc sau khi vaccine Sinovac được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) cho phép sử dụng khẩn cấp. Chiến dịch này sẽ ưu tiên trước hết cho các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, trước khi chuyển sang các bộ phận dân cư khác.
Bộ trưởng Budi bác bỏ lo ngại rằng chính phủ quá phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng Indonesia đã đa dạng hóa các nguồn cung. Ông cho biết Indonesia tự tin có đủ nguồn cung ngay cả khi một số loại vaccine không đạt kết quả trong quá trình thử nghiệm hoặc việc giao hàng bị trì hoãn.
Theo đó, trong tổng số 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, 100 triệu liều sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc, 100 triệu liều từ liên doanh Novavax của Mỹ và Canada, 100 triệu liều từ công ty AstraZeneca của Anh, 100 triệu liều của liên doanh Pfizer của Đức và Mỹ.