COVID-19 tại ASEAN hết 29/12: Indonesia gần 8.000 ca nhiễm/ngày; Campuchia mở lại trường học

Trong ngày 29/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 10.800 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 292 trường hợp. Tình hình Indonesia càng trở nên nghiêm trọng với gần 8.000 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.885 ca mắc COVID-19 và 292 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.496.834 ca mắc COVID-19 trong đó có 33.765 ca tử vong và 1.291.335 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia. Với 7.903 ca nhiễm mới và 251 ca tử vong mới, Indonesia đang chứng kiến dịch lây lan căng thẳng và chưa có dấu hiệu chững lại. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong. 

Ngày 29/12, Malaysia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới lên tới 1.925 trường hợp trong khi số ca nhiễm mới tại Philippines giảm xuống 3 con số, còn 886 trường hợp. 

Cùng ngày, Thái Lan tiếp tục xử lý ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại khu chợ hải sản ở tỉnh Sakhon, gần Bangkok, và ghi nhận 155 ca nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới (Myanmar không có thống kê), trong khi Campuchia, Timor Leste, Lào và Brunei không có thêm ca bệnh COVID-19 nào.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 29/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia mở cửa lại trường học 

Chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân đón học sinh trở lại lớp kể từ ngày 29/12, trong khi các trường công lập được mở cửa lại từ ngày 11/1/2021. 

Quyết định trên được đưa ra theo thông báo đặc biệt của Thủ tướng Campuchia Hun Sen công bố trên truyền hình trực tiếp. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã yêu cầu các trường học tiếp tục thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19 khi mở cửa trở lại. 

Trước đó, các trường học ở Campuchia đã phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến sau vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại nước này, còn gọi là “sự cố cộng đồng ngày 28/11”. Tuy nhiên, ngày 29/12, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sự cố này đã được kiểm soát vì không phát hiện thêm ca mắc mới.

Chú thích ảnh
Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc COVID-19 liên quan đến sự cố ngày 28/11, trong đó 37 người đã khỏi bệnh. Ông Hun Sen cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp cách ly, đặc biệt với những người nhập cảnh. Campuchia không cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Anh mặc dù tại Anh đang bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 mới liên quan đến biến thể VUI-202012/01.

Lào tạm ngừng tất cả chuyến bay thuê bao 

Ngày 29/12, hãng hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo hãng đã đình chỉ tất cả chuyến bay thuê bao đến và đi từ nước ngoài đến cuối tháng 1/2021 để hạn chế dịch COVID-19 lây lan.

Lao Airlines cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 quy định mọi hành khách nhập cảnh Lào trên tất cả các chuyến bay, kể cả các chuyến bay nhân đạo được cấp phép, đều phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục cần thiết và tiến hành cách ly bắt buộc tại các trung tâm do Chính phủ Lào chỉ định. Hiện Lào chỉ còn khai thác đường bay quốc tế thường xuyên duy nhất là Vientiane-Côn Minh (Trung Quốc), với tần suất 2 chuyến/tuần.

Tính tới thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận 41 ca mắc COVID-19 và hiện chỉ còn duy nhất một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. 

Chú thích ảnh
Philippines đề phòng lây lan biến thể VUI-202012/01. Ảnh: Reuters 

Philippines cấm nhập cảnh từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ

Philippines sẽ cấm nhập cảnh đối với những hành khách đến từ Nhật Bản cùng 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Theo thông báo ngày 29/12 của Bộ Giao thông vận tải Philippines, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/12 đến ngày 15/1/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang nỗ lực đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 nghi có liên quan đến biến thể VUI-202012/01. Theo đó, ngoài Nhật Bản, các quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng theo lệnh cấm còn có Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Iceland, Ireland, Israel, Italy, Liban, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan tạo thêm 8 ngày nghỉ đặc biệt để kích thích du lịch 

Ngày 29/12, nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch tạo thêm 8 ngày nghỉ đặc biệt trong năm 2021 nhằm kích thích du lịch trong bối cảnh số du khách nước ngoài tới quốc gia Đông Nam Á này vào năm tới được dự báo chỉ bằng 1/8 mức của năm 2019.

Phó phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul cho biết ngày 12/2/2021 (thứ Sáu) sẽ là ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi kỳ nghỉ Tết Songkran vào tháng 4 (hay còn gọi là Lễ hội té nước) sẽ có thêm một ngày nghỉ nữa. Những ngày nghỉ còn lại được bố trí vào những dịp khác trong năm, trong đó một số được kết hợp với những ngày cuối tuần để tạo ra những kỳ nghỉ dài ngày vào tháng 2, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Theo bà Traisuree, những người đứng đầu các tổ chức của chính phủ và khu vực tư nhân có thể quyết định xem có áp dụng những ngày nghỉ đặc biệt hay không tùy theo hoạt động của họ.

Mặc dù Thái Lan đang dần mở cửa cho du khách nước ngoài và triển khai nhiều chương trình ưu đãi để thúc đẩy du lịch trong nước, nhưng những nỗ lực của nước này nhằm hồi sinh nền kinh tế dựa vào du lịch đang bị cản trở do đợt bùng phát đại dịch COVID-19 hiện nay tại quốc gia trên.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngặn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một khu chợ ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 29/12, Thái Lan đã ghi nhận thêm 155 ca mắc COVID-19, bao gồm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 10 ca trong khu cách ly và 11 ca là lao động nhập cư, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này kể từ tháng 1/2020 đến nay lên 6.440 ca. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 trong gần hai tháng trở lại đây, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 ở nước này lên 61.  

Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan cảnh báo số lượng các ca bệnh có thể tăng lên 18.000 ca mỗi ngày trong hai tuần tới nếu đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay không được kiểm soát. 

Chú thích ảnh
1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu của Indonesia sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Ảnh: Bloomberg 

Indonesia sắp đạt các thoả thuận mua 100 triệu liều vaccine COVID

Trang Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Indonesia Sadikin ngày 29/12 cho biết, Indonesia đang gần đảm bảo các thoả thuận mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 từ hai người khổng lồ dược phẩm AstraZeneca và Pfizer.

Tân Bộ trưởng Sadikin cho biết Indonesia đang đi đến giai đoạn cuối ký thoả thận và có thể ký trong tuần này với AstraZeneca, và một thoả thuận với Pfizer trong tuần đầu tiên của tháng 1/2021. 

Vaccine của AstraZeneca sẽ được chuyển giao dần trong quý 2/2021, trong khi vaccine từ Pfizer sẽ tới vào quý 3/2021. 

Trước đó, Indonesia đã ký đảm bảo 125,5 triệu liều vaccine COVID từ công ty dược Sinovac, Trung Quốc và 50 triệu liều từ Novavax của Mỹ. 1,2 triệu liều vaccine của Sinovac đã tới Jakarta từ ngày 6/12, và thêm 1,8 triệu liều khác sẽ đến vào tháng 1 sắp tới.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Klang, bang Selangor, Malaysia, ngày 23/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Nhiều trung tâm thương mại ở Đức trống trơn do dịch COVID-19
Nhiều trung tâm thương mại ở Đức trống trơn do dịch COVID-19

Trên khắp nước Đức, tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa ít nhất đến giữa tháng 1/2021 nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 2 vốn đang gây ra những tác động nặng nề đối với nền kinh tế hàng đầu châu Âu này. Những tấm bảng "đóng cửa" treo trên cửa sổ của các cửa hàng ở trung tâm thị trấn đã nhường chỗ cho biển thông báo "ngừng kinh doanh".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN