Singapore triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế

Ngày 30/12, nữ y tá Sarah Lim đã trở thành người đầu tiên tại Singapore được tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất.

Như vậy, Singapore là một trong số những quốc gia châu Á đầu tiên triển khai chiến dịch chủng ngừa ngăn chặn đại dịch này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/11/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nữ y tá 46 tuổi thuộc Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm tại Singapore là người đầu tiên trong số 30 nhân viên y tế của trung tâm được tiêm mũi vaccine thứ nhất. Theo Bộ Y tế Singapore, những người này sẽ tiêm mũi thứ hai vào ngày 20/1/2021.

Singapore là quốc gia đầu tiên tại châu Á cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech. Nước này còn ký thỏa thuận đặt trước vaccine ngừa COVID-19 của một số hãng dược khác như Moderna (Mỹ) và Sinovac (Trung Quốc). Singapore dự kiến sẽ đảm bảo đủ vaccine cho tất cả 5,7 triệu người dân nước này đến quý III/2021.

Nhằm chứng minh độ an toàn của vaccine, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố ông cùng các cộng sự sẽ tham gia đợt tiêm vaccine. Việc tiêm vaccine tại Singapore là tự nguyện song chính phủ khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ. 

* Ngày 29/12, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo chính phủ nước này đã ký hợp đồng mua vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 do Nga sản xuất để có thể sớm triển khai chương trình tiêm chủng cho người dân sau khi đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, bà Rodriguez cho biết trong giai đoạn đầu tiên Venezuela sẽ nhận được số vaccine đủ tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 10 triệu người. Phó Tổng thống Venezuela khẳng định vaccine Sputnik V của Nga đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn sau các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Caracas Serguéi Melik-Bagdasáro nhấn mạnh việc ký hợp đồng này là một phần trong kết quả làm việc hết sức quan trọng của các chuyên gia y tế Venezuela trong thời gian giai đoạn thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại nước này với sự tham gia của hơn 2.000 tình nguyện viên. Chính phủ Venezuela dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 vào tháng 4/2021.

* Trước sức ép ngày càng tăng về việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, chính phủ Brazil ngày 29/12 hối thúc các nhà sản xuất đẩy nhanh việc đăng ký sử dụng vaccine tại nước này.

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho một tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil, ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco, chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Pfizer sau khi hãng này phàn nàn về những rắc rối và phức tạp trong quy trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp. Quan chức này cho biết thêm trong kịch bản khả quan nhất, việc tiêm chủng trên diện rộng có thể được triển khai sớm nhất từ ngày 20/1/2021. Theo ông Franco, kế hoạch tiêm vaccine của chính phủ đang gặp trở ngại bởi quy định hiện hành chỉ cho phép ký thỏa thuận mua vaccine một khi nhà sản xuất đã có quyền sử dụng khẩn cấp đối với vaccine đó. 

Dịch COVID-19 tại Brazil đã cướp đi sinh mạng của 192.716 người và khiến 7.564.117 người mắc bệnh. Tuy nhiên, cho tới nay, chính phủ vẫn chưa có kế hoạch chi tiết để phổ biến vaccine trong toàn dân. Ngoài vaccine của Pfizer, Brazil còn đặt mua vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) nhưng vaccine này chưa được cơ quan quản lý nước sở tại cấp phép.

* Tại châu Âu, ngày 29/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mua bổ sung 100 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Như vậy, 27 quốc gia EU sẽ nhận được 300 triệu liều thuốc vaccine, vốn được đánh giá là an toàn và hiệu quả. Vaccine của Pfizer/BioNTech hiện đang là loại duy nhất được EU cấp phép. EU đã ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm đặt mua tổng cộng 2 tỷ liều vaccine để phân phối cho các quốc gia thành viên theo tỷ lệ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lille, Pháp, ngày 28/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò do viện Ipsos Global Advisor công bố ngày 29/12 cho thấy chỉ có 4 trên 10 người Pháp muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cuộc thăm dò của Ipsos được thực hiện trực tuyến tại 15 quốc gia với hơn 13.500 người, trong đó khoảng 1.000 người ở Pháp. Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tỷ lệ 40% này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (80%), Anh (77%), Mỹ (69%), Nam Phi (53% và Nga (43%). Lý do phổ biến là lo sợ các tác dụng phụ của vaccine.

Pháp bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 27/12 tương tự như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, với mục tiêu ưu tiên là người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, chưa đến 100 người được chủng ngừa trong 3 ngày đầu tiên tại Pháp.

Một quan chức Bộ Y tế Pháp cam kết sẽ đẩy mạnh tiêm chủng trên diện rộng, cho dù phải đối mặt với "sự hoài nghi rất lớn của một bộ phận người dân Pháp”. Quan chức này cho biết không có trở ngại về nguồn cung cấp vaccine với khoảng 500.000 liều mỗi tuần.  

Cũng trong ngày 29/12, Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì cuộc họp với các bộ trưởng hàng đầu và giới chức y tế để thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay. Một số thị trưởng đang thúc đẩy áp đặt lại lệnh phong tỏa, ít nhất ở cấp địa phương, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Thanh Hương - Hoài Nam- Linh Hương (TTXVN)
Số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbe vượt 500.000 
Số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbe vượt 500.000 

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), khu vực Mỹ Latinh và Caribbe ngày 29/12 đã trở thành khu vực thứ hai sau châu Âu ghi nhận số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vượt 500.000 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN