Như vậy, đến nay Séc đã ghi nhận 1.120 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 6 người đã được điều trị khỏi và 1 người tử vong.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Slovenia Tomaz Gantar cùng ngày 22/3 thông báo trường hợp tử vong thứ 2 ở nước này. Bệnh nhân này cũng ở độ tuổi 90 và mắc nhiều bệnh nền.
Đến nay Slovenia đã ghi nhận 414 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Quốc gia này nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ người được xét nghiệm COVID-19 cao nhất thế giới, với tổng cộng 13.098 trường hợp đã được xét nghiệm.
Chính phủ Ireland ngày 22/3 thông báo ca tử vong thứ tư do COVID-19 tại nước này, trong bối cảnh số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia châu Âu này đã lên tới 906.
Giới chức y tế Ireland cho biết sẽ tăng cường cung cấp các trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm hoặc bảo hộ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Theo kế hoạch, trong ngày 25/3 tới, khoảng 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm sẽ được phân bổ tới các đơn vị y tế tại Ireland, bổ sung cho 40.000 bộ dụng cụ xét nghiệm hiện có. Chính phủ Ireland cũng đang trong quá trình đàm phán với chính phủ nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, để có thể đảm bảo tiếp nhận được 100.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mỗi tuần.
Hiện Ireland đã bổ sung 10.000 giường bệnh, tăng gấp đôi so với con số sẵn sàng phục vụ trước đó. Tổng cộng 50 cơ sở xét nghiệm COVID-19 đã được thiết lập trên cả nước. Ngoài ra, tàu hải quân Samuel Beckett đã được trưng dụng làm trung tâm xét nghiệm tại thủ đô Dublin.
Mỗi năm Ireland chi trung bình 15 triệu euro (tương đương 16 triệu USD) cho các thiết bị bảo hộ y tế cá nhân. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, khoản tiền này đã lên tới 60 triệu euro.
Cũng liên quan tình hình dịch bệnh, giới chức y tế Pháp ngày 22/3 cho biết trong tổng số 16.018 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này (tính đến hết ngày 22/3), có 35% là người dưới 65 tuổi.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Pháp, đến nay nước này ghi nhận 674 ca tử vong. Đặc biệt, số ca nhiễm đã tăng 112 trường hợp chỉ trong 24 giờ qua. Hiện có 7.240 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tích cực tại bệnh viện, trong đó 1.746 người trong tình trạng nguy kịch và 2.200 người đã được xuất viện sau khi khỏi bệnh.
Giới chức y tế Pháp cảnh báo "tình hình dịch bệnh đang diễn biến tồi tệ hơn", đồng thời hối thúc người dân kiên nhẫn và đoàn kết, hỗ trợ ngăn chặn dịch lây lan bằng cách hạn chế ra khỏi nhà, tôn trọng các quy định cách ly xã hội và đóng góp những phương tiện bảo hộ nếu có thể.
Cũng trong ngày 22/3, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo nước này đã ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 60 ca tử vong. Chính phủ Thụy Sĩ đã thông báo cấm mọi cuộc tụ tập với sự tham gia của hơn 5 người, đồng thời phạt bất cứ ai đứng gần nhau hơn 2 mét. Mặc dù vậy, quốc gia này cho đến nay chưa ban bố lệnh cấm đi lại hoàn toàn.