Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ Y tế Syria ngày 22/3 đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này. Bệnh nhân này trở về Syria sau chuyến đi nước ngoài. Hiện nhà chức trách đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết đối với trường hợp trên, cũng như rà soát những người từng tiếp xúc gần.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Syria tuyên bố đóng các cửa khẩu biên giới với Liban do lo ngại tình hình dịch bệnh. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 24/3, áp dụng đối với tất cả những người qua lại biên giới, bao gồm người Syria. Hoạt động vận tải hàng hóa qua biên giới vẫn được phép thông quan.
Ngoài ra, Chính phủ Syria cũng đình chỉ giao thông công cộng từ tối 23/3, áp dụng tại tất cả các tỉnh ở nước này. Trước đó, ngày 21/3, Chính phủ Syria đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê và các bộ của chính phủ. Các động thái trên nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập nước này.
Với việc Syria ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đến nay ở khu vực Trung Đông chỉ còn Libya và Yemen chưa có ca nào mắc bệnh dịch này.
* Tại Iran, Bộ Y tế xác nhận nước này đã có tổng cộng 21.638 người mắc COVID-19, trong đó có 1.685 ca tử vong và 7.913 trường hợp đã phục hồi.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hossein Baqeri cho biết 52/58 bệnh viện quân y trên cả nước đã bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân mắc COVID-19.
Thiếu tướng Hossein cho biết thêm các lực lượng vũ trang Iran đã có sự chuẩn bị cần thiết trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Iran và ngay trong giai đoạn đầu dịch bệnh xuất hiện tại thành phố Qom hồi tháng 2 vừa qua, các bệnh viện quân y đã có những hỗ trợ cần thiết trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Cùng ngày, nhà chức trách Iran đã ra lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại tại thủ đô Tehran. Các cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc vẫn được mở cửa.
Trong khi đó, Iran Mall - trung tâm mua sắm lớn nhất của Iran, nằm ở phía Tây thủ đô Tehran - sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, với sức chứa khoảng 3.000 giường, phục vụ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
* Tại Israel, Bộ Y tế nước này ngày 22/3 ghi nhận thêm 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.071 người, trong đó 18 trường hợp đang trong tình trạng nghiêm trọng và 37 người đã hồi phục. Trước đó, tối 20/3, Isarel đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch bệnh này là một cụ ông 88 tuổi, có bệnh lý nền.
Liên quan việc phòng chống dịch, đơn vị quản lý khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở thánh địa Jerusalem đã quyết định tạm đóng cửa khu đền này từ ngày 23/3. Quyết định này được đưa ra sau động thái được cho là vi phạm quy định của Chính phủ Israel khi có quá nhiều tín đồ tới cầu nguyện tại đây hôm 20/3. Cụ thể, Chính phủ Israel cấm tụ tập từ 10 người trở lên và yêu cầu người dân không ra ngoài nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Israel cho biết đã thành lập cơ sở dữ liệu nghiên cứu virus SARS-CoV-2. Bộ này đã tập hợp đội ngũ bác sĩ, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nhằm đưa ra các đề xuất để sớm tiến hành nghiên cứu. Các nghiên cứu được đề xuất sẽ được phân loại theo lĩnh vực cụ thể và chuyển đến các bộ phận chống virus thích hợp nhằm tìm cách thức đúng để thúc đẩy những nghiên cứu này.
Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel cũng đã kêu gọi các công ty công nghệ Israel trình các kế hoạch nghiên cứu và phát triển các hệ thống, sản phẩm và giải pháp công nghệ để giải quyết các thách thức đặt ra do đại dịch COVID-19.
*Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã lên tiếng kêu gọi người dân nước này thể hiện trách nhiệm lớn hơn và nghiêm túc tuân thủ các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của Tổng thống El-Sisi kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Ai Cập.
Tổng thống El-Sisi khẳng định Ai Cập có đủ nguồn dự trữ hàng hóa, theo đó kêu gọi người dân nước này không đổ xô mua hàng tích trữ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ai Cập cũng thông báo Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) sẽ phân bổ 20 tỷ bảng Ai Cập (1,28 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tới nền kinh tế nước này.
Trước đó, Chính phủ Ai Cập đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như tạm dừng hoạt động giao thông đường không, giảm số lượng công chức tại các công sở, đóng cửa các trường học, thánh đường Hồi giáo và nhà thờ, cũng như tung ra một số gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.
Riêng trong ngày 22/3, Bộ Y tế Ai Cập ghi nhận thêm 33 người nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 327. Trong khi đó tổng số ca tử vong là 14, tăng 4 trường hợp so với ngày 21/3.
* Cũng trong ngày 22/3, hãng thông tấn WAM của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đưa tin UAE sẽ đình chỉ toàn bộ các chuyến bay quá cảnh cũng như chuyến bay chở khách đến và đi từ UAE trong 2 tuần do lo ngại dịch COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, Chính phủ UAE cũng quyết định đóng cửa toàn bộ các trung tâm thương mại, chợ, ngoại trừ các chợ kinh doanh thực phẩm thiết yếu, đồng thời giới hạn các nhà hàng chỉ được phục vụ đồ ăn mang về. Quy định này sẽ có hiệu lực sau 48 giờ và kéo dài ít nhất 2 tuần.