Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 6/11: Thái Lan lại có ca tử vong; Toàn khối số ca bệnh tăng vọt

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.984 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 23.680 người.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại cây cầu hữu nghị ở biên giới Thái Lan - Myanmar tại Mae Sot, tỉnh Tak, ngày 29/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.755 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.342 ca bệnh mới và 24 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 22/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 23.681 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 173 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 982.420 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 843.486 trường hợp.
 
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 6/11.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 6/11:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 429,574 +3,778 14,442 +94 360,705
Philippines 391,809 +2,092 7,461 +52 349,974
Myanmar 59,277 +1,342 1,376 +24 43,277
Singapore 58,047 +4 28   57,959
Malaysia 38,189 +1,755 279 +2 26,380
Thái Lan 3,818 +8 60 +1 3,639
Việt Nam 1,212 +5 35   1,070
Campuchia 292       286
Brunei 148       144
Timor-Leste 30       29
Lào 24       23
Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Malaysia, Tiến sĩ Maznah Dahlui, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Lực lượng đặc trách về phân tích và chiến lược chống Covid-19 (CEASE) trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia, cho biết nước này cần khoảng 10 tỷ ringgit (hơn 2,4 tỷ USD) để có thể chấm dứt đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào cuối quý I/2021.

Tờ New Strait Times dẫn lời Tiến sĩ Maznah cho biết số tiền trên sẽ được dùng cho việc điều trị, truy dấu, điều tra và xét nghiệm, cũng như phân phối và quản lý vaccine ngừa COVID-19 khi có vaccine. Theo Tiến sĩ Maznah, trong thời gian tới, số đợt bùng phát mới tại Malaysia sẽ ít hơn và không kéo dài như trước. Ông khẳng định với khả năng hiện tại của mình, Malaysia có thể đảm bảo không để xảy ra sự sụp đổ của hệ thống y tế trong giai đoạn từ nay đến hết quý 1/2020. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng chắc chắn dịch sẽ ảnh hưởng mạnh đến việc điều trị các loại bệnh khác.

Tính đến hết ngày 5/11, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia đã chi khoảng 2 tỷ ringgit cho đại dịch, trong đó 820 triệu ringgit được dùng để chữa trị cho bệnh nhân. Số tiền còn lại được dùng để mua sắm thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, xét nghiệm, truy dấu…
Ngày 5/11, Malaysia ghi nhận thêm 1.009 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 36.434. Trong số đó, 277 ca tử vong, 25.654 trường hợp đã hồi phục. Hiện nước này còn 10.503 bệnh nhân đang phải điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó tại Indonesia, nhà kinh tế học Ari Kuncoro của Đại học Indonesia cho biết chi tiêu của chính phủ đã bắt đầu có tác động đến nền kinh tế và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ riêng chi tiêu của chính phủ sẽ không đủ để vực dậy nền kinh tế mà còn cần chi tiêu dùng của những công dân thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó, chính phủ phải kiểm soát được dịch bệnh và cung cấp vaccine rộng rãi để nâng cao niềm tin của người dân và thúc đẩy họ tham gia các hoạt động kinh tế.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Indonesia (BI) cho thấy sự bi quan ngày càng tăng của người tiêu dùng. Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) cho biết tiền tiết kiệm đang chồng chất khi mọi người chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu trong bối cảnh tình hình bất ổn.

Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) ngày 5/11 cho biết nền kinh tế Indonesia suy giảm 3,49% trong quý III/2020  trong khi số ca nhiễm liên tục tăng. Nhà kinh tế Josua Pardede của Bank Permata nhận định nền kinh tế Indonesia đang trên đà phục hồi chậm trong vài tháng tới. Vấn đề chính là các công dân thuộc tầng lớp trung lưu đã kìm hãm tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng 1 đến 2% trong 3 tháng cuối năm 2020 và có thể tiếp tục giảm trong quý I/2021. Sự phục hồi sẽ không mạnh mẽ trước khi có vaccine và đại dịch trong tầm kiểm soát. Sự bùng phát của đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến sức mua.

Nhà kinh tế David Sumual của Ngân hàng Trung ương châu Á (BCA) cho rằng Chính phủ Indonesia cũng phải đẩy nhanh việc giải ngân cho các chương trình kích thích để tăng tốc phục hồi, bên cạnh một yếu tố quan trọng khác để hỗ trợ nền kinh tế là vaccine.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
ASEAN 2020: Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế 
ASEAN 2020: Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế 

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020, chiều 6/11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), Nghiên cứu mạng Châu Á Thái Bình Dương (APRN) và các đối tác liên quan khác phối hợp tổ chức hội thảo "Kinh doanh chuyển đổi - Đối tác CSO và Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế - hướng tới Phục hồi và Phát triển".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN