Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 2 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác. Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca phát sinh trong ngày tại ASEAN có xu hướng tăng nhẹ trong 1 ngày qua.
Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.
Singapore và Malaysia đang chứng kiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, với số ca mắc bệnh mới tăng đều những ngày qua. Dù vậy, “Đảo quốc sư tử” vẫn kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.788 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 130 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 532.057 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 431.565 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – trong đó có Thái Lan và Campuchia - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Bộ Y tế Philippines ngày 11/9 thông báo thêm 4.040 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng hằng ngày cao nhất trong vòng 12 ngày qua. Tổng số ca nhiễm hiện là 24.947 ca trên cả nước, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, 42 ca tử vong mới đã nâng tổng số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 4.066 ca.
Tâm dịch Maninla đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất cả nước, là 1.813 ca. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết cả nước đang tăng cường năng lực của toàn bộ hệ thống y tế, tập trung vào việc tăng thêm giường bệnh tại các bệnh viện công. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ tăng cường các phòng thí nghiệm COVID-19 và các cơ sở cách ly, lắp đặt thêm phòng ngủ cho các nhân viên y tế.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano đã công bố kế hoạch thực thi lệnh cấm cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong gia đình. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Ano, đồng thời cho biết thêm rằng một phần lớn số ca nhiễm bùng phát gần đây là từ những người cách ly tại nhà. Hiện Philippines đang có 20 cơ sở cách ly tập trung lớn, cộng với 28 khách sạn đã được chuyển đổi thành điểm cách ly.
Myanmar cùng ngày thông báo có thêm 115 ca nhiễm mới, một ngày sau khi áp đặt biện pháp phong tỏa mới trong cuộc chiến chống làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 2.265 ca, trong đó có 14 ca tử vong. Ngày 10/9, Chính phủ Myanmar đã yêu cầu người dân hạn chế đi lại, trừ trường hợp khẩn cấp. Các hãng hàng không nội địa đã thông báo ngừng phục vụ đến hết tháng 9. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, các đảng đối lập đã kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.
Trong khi đó, Brunei tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày thứ 8 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm ở nước này hiện duy trì ở mức 145 ca, trong đó 139 ca đã phục hồi.
Malaysia ngày 11/9 thông báo thêm 182 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày, mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Con số này đã nâng tổng số ca nhiễm lên 9.810 ca, trong đó có 128 ca tử vong, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, các số liệu dịch tễ học cho thấy chủng G của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên bệnh nhân đầu tiên sau 100 ngày nước này không ghi nhận ca nhiễm mới. Chủng G dễ lây nhiễm hơn các chủng L và S, và hầu hết được tìm thấy trên những người nhập cảnh từ nước ngoài và phải cách ly.
Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Y học thuộc Bộ Y tế nước này, ông Opas Karnkawinpong cho biết các ca nhiễm chủng G khá hiếm ở Thái Lan, song ông cảnh báo tình hình vẫn đáng lo ngại khi ngày càng có nhiều lao động nhập cư trái phép đang tìm cách thâm nhập lãnh thổ Thái Lan để tìm việc làm. Ông Opas nhấn mạnh sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm nếu mọi người tuân thủ nghiêm các yêu cầu vệ sinh như đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn.