Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN; Bộ trưởng Ngoại giao Australia; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc; Tổng Thư ký ASEAN; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, Đại diện Việt Nam tại Nhóm phụ nữ ASEAN vì hòa bình; Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền 2020 (AICHR), cùng đại diện một số bộ, ngành của Việt Nam đã tham dự phiên Đối thoại.
Mở đầu phiên Đối thoại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc lại Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 (tháng 11/2017), khẳng định ủng hộ chương trình nghị sự ASEAN về Phụ nữ-Hòa bình-An ninh (WPS), nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong xử lý xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 20 năm trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, là cơ sở để cộng đồng quốc tế hợp tác thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt của hòa bình, ngăn ngừa xung đột và bảo vệ quyền của phụ nữ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng mặc dù đã hình thành nhận thức rộng rãi về tầm quan trọng của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, nhưng phụ nữ vẫn chưa hiện diện rộng rãi, nhất là trong tham gia ngăn ngừa, hòa giải xung đột.
Cũng tại phiên Đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về định hướng thúc đẩy vai trò và hành động chung của phụ nữ ASEAN góp phần tăng cường hòa bình thực chất và bền vững, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Các đại biểu khẳng định tầm quan trọng và vai trò của phụ nữ không chỉ trong lĩnh vực chính trị và an ninh mà cả trong kinh tế và xã hội; nhấn mạnh vai trò không thể thiếu, sự tham gia bình đẳng, đầy đủ và có hiệu quả của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình củng cố hòa bình, phòng ngừa, giải quyết xung đột và những đe dọa an ninh phi truyền thống.
Phát biểu tham luận tại phiên Đối thoại, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, đề nghị ASEAN cần nỗ lực lồng ghép vấn đề giới trong cả ba trụ cột Cộng đồng; coi bình đẳng giới và triển khai chương trình nghị sự WPS là ưu tiên trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Đánh giá phát triển bền vững và dung nạp không chỉ là mục tiêu mà còn là phương tiện phòng ngừa những đe dọa và rủi ro ảnh hưởng tới hòa bình bền vững, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng các chiến lược xây dựng hòa bình trong ASEAN cần được lồng ghép trong các kế hoạch nhằm hiện thực hóa Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững 2030.
Đại sứ cho biết, Việt Nam đã cử lực lượng nữ gìn giữ hòa bình sang châu Phi giúp người dân nơi đây trong kỹ thuật nông nghiệp, may khẩu trang phòng ngừa đại dịch COVID-19…
Các đại biểu dự phiên Đối thoại nhất trí sẽ nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới đề cao quyền của phụ nữ, được tham gia đầy đủ và có ý nghĩa trong các cấp ra quyết định.
Tại khu vực, các nước khẳng định sẽ tăng cường hoạt động của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) và thúc đẩy kết hợp Chương trình nghị sự ASEAN về phụ nữ-hòa bình-an ninh vào các chương trình và chính sách trên cả ba trụ cột cộng đồng ASEAN. Các nước cũng cam kết sẽ làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các đối tác qua các khuôn khổ và cơ chế về WPS như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Ý kiến và đề xuất của phiên Đối thoại sẽ được chuyển đến các cơ quan liên quan của ASEAN để xem xét, triển khai.