Tại Malaysia - nước ban hành lệnh phong tỏa từ ngày 1/6 vừa qua, các nhà máy thuộc Toyota và Honda vẫn đang “cửa đóng, then cài”. Lệnh phong tỏa này đã được gia hạn 2 lần, với các hạn chế nghiêm ngặt hơn áp đặt từ ngày 5/7 tại vùng thủ đô Kuala Lumpur - nơi tập trung nhiều công ty của Nhật Bản. Do đó, công ty Mitsui Mining & Smelting Co. - chuyên sản xuất vật liệu cho điện thoại thông minh, đã phải thông báo ngừng sản xuất từ ngày 5/7. Thậm chí ngay cả khi chính phủ quốc gia Đông Nam Á này cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử trở lại làm việc, đại diện công ty này khẳng định công suất của Mitsui Mining & Smelting Co. khó có thể khôi phục như trước cho đến giữa cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tới.
Hoạt động sản xuất của các công ty Nhật Bản cũng đang “gặp khó” tại Indonesia - nơi số ca nhiễm mới liên tục ghi nhận ở mức trên 40.000 ca/ngày. Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nhiều nhà sản xuất đã liên tục phàn nàn về việc số ca nhiễm tăng ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Thậm chí, có công ty còn thông báo có tới 18% tổng số lao động của công ty mắc COVID-19.
Hiểu rõ rằng khó có thể hoạt động hết công suất do các hạn chế đi lại tại quốc gia Hồi giáo này, nhiều công ty Nhật Bản đang tính tới phương án đưa chuyên gia trở về nước. Theo các nhà sản xuất Nhật Bản, hiện rất khó có thể đưa ra dự đoán trong vòng 1 năm tới, do tỷ lệ tiêm vaccine ở Đông Nam Á còn thấp, trong khi sự khác biệt giữa dịch COVID-19 và thảm họa tự nhiên nằm ở chỗ đại dịch tác động lâu dài đến chuỗi cung ứng và tấn công đồng thời nhiều khu vực.
Tình hình cũng không sáng sủa hơn tại Thái Lan - vốn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất của các công ty Nhật Bản tại Đông Nam Á. Kể từ ngày 12/7, chính phủ nước này cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại vùng thủ đô Bangkok, đồng thời để ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp mạnh hơn nếu tình hình không cải thiện.
Do đó, ông Kitami, một nhà nghiên cứu thuộc JETRO ở Bangkok, nhận định dù các công ty Nhật Bản vẫn đang nỗ lực hết sức trong bối cảnh đại dịch, song vẫn có nguy cơ cần nhắc tới đó là khả năng các nước buộc phải áp đặt các quy định chặt chẽ như ở Malaysia nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đầu tư.