Kênh CNN dẫn thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden thông báo với Quốc hội rằng họ đã “bật đèn xanh” cho hợp đồng bán tên lửa phòng không vác vai Stinger và các thiết bị liên quan cho Phần Lan. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này phê duyệt hợp đồng vũ khí trị giá 323,3 triệu USD cho quốc gia Bắc Âu này.
“Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia Mỹ là hỗ trợ Phần Lan phát triển, duy trì khả năng phòng vệ và sẵn sàng mạnh mẽ”, thông cáo báo chí cho biết.
Giới chuyên gia nhận định hợp đồng vũ khí này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của Phần Lan. Helsinki dự định sử dụng các thiết bị quân sự này để trang bị cho phi đội máy bay chiến đấu, giúp cải thiện kho vũ khí quốc gia. Phía Mỹ đánh giá bước đi này sẽ củng cố năng lực phòng thủ trên đất liền và phòng không của “sườn phía bắc châu Âu”, đồng thời hỗ trợ những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM). Lầu Năm Góc đánh giá Phần Lan là động lực quan trọng đối với ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế của châu Âu. Giới chức cũng kỳ vọng hợp đồng này sẽ có tác động tích cực lên quan hệ giữa Mỹ và các nước Bắc Âu.
Theo đó, các hợp đồng bán tên lửa cho Phần Lan cần được Quốc hội Mỹ thông qua, song truyền thông Mỹ cho biết bước phê duyệt ở quốc hội chủ yếu mang tính thủ tục.
Trước đó, vào đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo duyệt bán 40 tên lửa chiến thuật AIM 9X Block II và 45 tên lửa có độ chính xác cao AGM-154 JSOW cho Phần Lan. Mỹ mô tả hợp đồng này nhằm cải thiện năng lực tác chiến của không quân Phần Lan về phòng không lẫn không kích mặt đất.
Động thái thông qua các hợp đồng vũ khí tiềm năng diễn ra trong bối cảnh Phần Lan đang tìm cách gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hồi tháng 5, Phần Lan cùng Thụy Điển đã từ bỏ truyền thống trung lập hàng thập kỷ và tuyên bố ý định gia nhập NATO. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, tất cả các quốc gia thành viên NATO đã đồng ý cho hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay nước này sẽ chính thức phê duyệt Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào đầu năm 2023. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu điều kiện để chấp thuận cho hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, đó là cả hai phải tuân thủ cam kết chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc Thụy Điển tài trợ cho đảng Công nhân Người Kurd (PKK), tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Để gia nhập NATO, các ứng viên mới cần sự đồng thuận từ toàn bộ 30 thành viên trong khối.