Giá trị tài sản của các hộ gia đình ở Italia, thường được coi như một chuẩn mực để đánh giá sức mạnh kinh tế của nước này, đã sụt giảm trong vài năm qua, do cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong một báo cáo công bố ngày 14/12, Ngân hàng Trung ương Italia (BoI) cho biết tính đến cuối năm 2010, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình ở nước này đã giảm 1,5% so với cuối năm 2009 (tính theo các mức giá cố định), xuống còn 8,46 nghìn tỷ euro (11,2 nghìn tỷ USD), và giảm 3,2% nếu so với cuối năm 2007.
Mặc dù các số liệu sơ bộ cho thấy giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình ở Italia đã tăng 0,4% vào đầu năm 2011 nếu tính theo các mức giá hiện hành, nhưng BoI nói rằng thực tế thì con số này vẫn trong "xu hướng giảm ở mức độ vừa phải", do lạm phát tăng mạnh trong thời gian đó.
Rất nhiều cuộc biểu tình ở Eurozone đã nổ ra kể từ khi xuất hiện cuộc khủng hoảng nợ công. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các số liệu của năm 2008, các tài sản được phân bố không đồng đều ở Italia, với 10% dân số nước này nắm giữ tới 45% lượng của cải của đất nước.
Báo cáo của BoI cho biết "những tài sản thực", hầu hết là bất động sản, chiếm 62,2% giá trị tài sản của các hộ gia đình tính đến thời điểm cuối năm 2010, trong khi các tài sản tài chính chiếm 37,8%. Người dân Italia đã "tiếp tục sắp xếp lại các danh mục đầu tư của họ", hướng tới "những hình thức đầu tư mang tính lưu động hơn như gửi tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiết kiệm bưu chính. Tính đến cuối năm 2010, khoảng 5% số tài sản tài chính của người dân Italia là trái phiếu, giảm một điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Bất chấp sự sụt giảm về giá trị tài sản, các hộ gia đình ở Italia hiện vẫn giàu hơn so với ở các nước phát triển khác. Trong năm 2009, giá trị tài sản của các hộ gia đình ở Italia bằng khoảng 8,3 lần thu nhập sau thuế của họ, so với các mức 8 lần ở Anh, 7,5 lần ở Pháp, 7 lần ở Nhật Bản, 5,5 lần ở Canađa và 4,9 tại Mỹ. Bên cạnh đó, nợ của các gia đình ở Italia cũng ít hơn, chỉ chiếm 82% thu nhập sau thuế của họ, so với các mức 100% ở Pháp và Đức, 130% tại Nhật Bản và Mỹ, và 170% ở Anh.
Ngự Bình