Theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, phát biểu ngày 1/11, ông Khamenei nói: “Điều mà các chính phủ Hồi giáo phải yêu cầu là chấm dứt ngay lập tức tội ác ở Gaza”. Theo ông, các nước Hồi giáo nên cấm xuất khẩu dầu và thực phẩm sang Israel.
Bình luận về tình hình ở Dải Gaza, ông Khamenei nói rằng các sự kiện ở Gaza đã khiến người dân xuống đường và phản đối hành động của Israel, không chỉ ở các quốc gia có đa số người theo đạo Hồi, mà còn ở Mỹ và Tây Âu.
Vào giữa tháng 10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, đề nghị các quốc gia Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ ngay lập tức và toàn diện đối với Israel.
Tuần trước, Hạ viện Libya (nằm ở thành phố Tobruk phía Đông do Tướng Khalifa Haftar kiểm soát) cũng yêu cầu chính phủ ngừng xuất khẩu dầu khí sang các nước ủng hộ Israel nếu nước này không ngừng các vụ không kích thảm sát. Các nhà lập pháp Libya còn kêu gọi trục xuất đại sứ của các quốc gia ủng hộ Israel.
Cũng trong tháng trước, hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cảnh báo rằng nguồn cung dầu Trung Đông cho thị trường quốc tế có thể bị gián đoạn nếu các quốc gia khác tham gia cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ 8 thế giới, có khả năng chặn eo biển Hormuz. Tuyến đường qua Hormuz được sử dụng để vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu bằng đường biển của thế giới.
Hồi năm 1973, lệnh cấm vận dầu mỏ mà các nước Arab áp đặt lên Mỹ và các nước phương Tây để phản đối các nước này ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur đã gây thiếu dầu nghiêm trọng và kéo theo suy thoái kinh tế.
Hành động của Israel ở Dải Gaza đã khiến Bolivia cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Theo đài RT, trong một cuộc họp báo ngày 31/10, Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani cho biết: “Bolivia quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel để bác bỏ và lên án cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza”.
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Boliva Maria Nela Prada cáo buộc Israel phạm tội đối với người Palestine ở Gaza, đồng thời kêu gọi chính phủ Israel chấm dứt các cuộc tấn công ở đây, vốn đã khiến hàng ngàn thường dân thương vong và buộc người Palestine phải di dời. Bà cũng yêu cầu Israel chấm dứt lệnh phong tỏa Gaza, vì lệnh này đã ngăn chặn việc vận chuyển thực phẩm, nước uống cũng như các mặt hàng thiết yếu cho người dân Gaza, đồng thời vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Bolivia là quốc gia đầu tiên chấm dứt quan hệ với Israel vì xung đột ở Gaza. Các nước láng giềng của Bolivia là Colombia và Chile cũng triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn, lên án cái chết của dân thường ở Gaza và kêu gọi ngừng bắn.
Viết trên trang mạng xã hội X, Tổng thống Chile Gabriel Boric cáo buộc Israel vi phạm Luật Nhân đạo Quốc tế và đi theo chính sách “trừng phạt tập thể” người dân Gaza. Ông đã tuyên bố triệu hồi Đại sứ Jorge Carvajal.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro xác nhận đã triệu hồi Đại sứ Colombia tại Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Colombia nêu rõ: “Tôi đã quyết định triệu hồi Đại sứ của chúng tôi tại Israel. Nếu Israel không ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người dân Palestine thì chúng tôi không thể ở lại đó”.
Tổng thống Brazil Lula da Silva, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã kêu gọi ngừng bắn. Ông nhấn mạnh các cuộc tấn công của các tay súng Hamas chống Israel không thể là cái cớ để sát hại người dân vô tội ở Gaza.
Ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Jordan thông báo đã yêu cầu Đại sứ nước này tại Israel về nước do cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Theo Bộ Ngoại giao Jordan, Đại sứ sẽ chỉ trở lại Tel Aviv nếu Israel dừng chiến tranh ở khu vực này và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nước này đã gây ra.
Trong khi đó, bất chấp phản ứng của các nước, Israel tiếp tục không kích trại tị nạn Jabalia ở Gaza lần thứ hai trong hai ngày qua để tiêu diệt các chỉ huy Hamas, khiến nhiều dân thường thiệt mạng.