Theo đài RT (Nga), cùng với đa số các quốc gia Nam bán cầu, về mặt ngoại giao, châu Phi đã giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Có tới 26 trong số 54 quốc gia châu Phi không ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong khi Eritrea bỏ phiếu chống nghị quyết, 17 quốc gia châu Phi khác đã bỏ phiếu trắng và có 8 quốc gia không tham gia bỏ phiếu.
Dù ủng hộ nghị quyết, nhưng Ai Cập vẫn duy trì quan hệ hợp tác mang tính xây dựng với Nga. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên lục địa châu Phi tham gia áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.
Đáng chú ý, cả Senegal và Tanzania, những quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu lục địa trong thập kỷ trước, đã không cùng các đối tác thương mại và kinh doanh truyền thống của mình lên án Nga. Không kém quan trọng, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đã mạnh mẽ chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cuộc chiến tại Ukraine. Ông phát biểu trong cuộc họp quốc hội: “Chiến tranh có thể đã không nổ ra nếu NATO chú ý đến những lời cảnh báo từ các nhà lãnh đạo và quan chức suốt những năm qua rằng chính sách mở rộng về phía Đông sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn nghiêm trọng hơn trong khu vực”.
Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với 3 nhà lãnh đạo châu Phi. Trong đó có Tổng thống Senegal Macky Sall (người hiện nắm giữ vị trí Chủ tịch Liên minh châu Phi), Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el- Sisi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Theo tuyên bố chính thức, tình hình bất ổn tại Ukraine vẫn chưa có tác động làm thay đổi bất kỳ kế hoạch nào đối với Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ 2, dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay. Ngày 3/3, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các nước Trung Đông và châu Phi Mikhail Bogdanov khẳng định công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cuộc xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt và biện pháp kinh tế mà Chính phủ Nga đưa ra nhằm ổn định thị trường trong nước, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế châu Phi.
Từ năm 2015 đến năm 2020, Nga và Ukraine đã cung cấp tới 25% tổng sản lượng lúa mì nhập khẩu vào châu Phi. Cuộc xung đột hiện nay đã gây ra một loạt hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực này. Trong đó có lệnh cấm xuất khẩu lúa mì tạm thời, làm gián đoạn mùa gieo hạt ở Ukraine, gây chậm trễ cho việc vận chuyển các chuyến hàng qua Biển Đen.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng phân bón đang rình rập cũng thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp lúa mì chính khác cho châu Phi, như Pháp và Brazil. Những vấn đề này gây ra mối đe dọa an ninh lương thực nghiêm trọng đối với một số quốc gia ở châu lục này, bao gồm Ai Cập, Algeria, Sudan và Tanzania.
Đồng thời, gián đoạn nguồn cung sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Phi theo những cách khác nhau. Trong khi tại Nigeria, vấn đề này có thể được giải quyết tương đối dễ dàng vì lúa mì là mặt hàng sẵn có trong nước. Ở các khu vực khác, tình hình này không chỉ đe dọa đến nhu cầu mà còn thách thức một số dự án kinh doanh, như các dự án đầu tư quy mô lớn vào mạng lưới cơ sở hạ tầng bảo quản lúa mì và các loại cây trồng khác. Một số dự án này có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà tài trợ Nga.
Nhiều vấn đề khác cũng có thể nảy sinh khi hành lang logistics bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt và hạn chế. Hiện tại, Nga không thể cung cấp số lượng lớn ngũ cốc và phân bón qua Biển Caspi và Iran.
Một lĩnh vực mà châu Phi chắc chắn sẽ phải đối mặt đó là sự thay đổi trong thị trường năng lượng. Nếu châu Âu ngừng mua dầu và khí đốt Nga, các quốc gia châu Phi như Algeria, Libya, Nigeria có cơ hội gia nhập và lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, cơ hội này dường như chỉ là giả thuyết vì không quốc gia nào trong số này có khả năng cung cấp khí đốt cho thị trường trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, nếu khu vực đồng Euro chìm trong khủng hoảng, cuộc đối đầu kinh tế dai dẳng với Nga có thể khiến EU và các nước thành viên cắt giảm hỗ trợ kinh tế và công nghệ cho châu Phi.
Về trung hạn, tình hình kinh tế và xã hội ở Tây Phi vẫn là mối lo ngại lớn nhất. Vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng mới ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và lương thực có thể gây mất ổn định hơn nữa cho các hệ thống chính trị trong khu vực.
Dù không liên quan trực tiếp đến xung đột ở Ukraine, song thực tế đang chứng minh rằng châu Phi sẽ chịu tác động rất lớn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Dẫu vậy, lục địa này vẫn có thể đối phó với nguy cơ mất ổn định nhờ nỗ lực đầu tư sản xuất các loại mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế lục địa, như phân bón, các sản phẩm dầu và thực phẩm.
Trong bối cảnh phương Tây và Nga đang hình thành mối quan hệ đối đầu, các nhà phân tích nhận định châu Phi vẫn sẽ cố gắng duy trì quan điểm “bên ngoài cuộc chiến”. Để đạt được mục tiêu đó, châu Phi cần đảm bảo cuộc đối đầu Mỹ-Nga hướng ra khỏi lục địa và cố gắng duy trì vị thế trung lập và đoàn kết trong tình hình này.