Cuộc vận động bí mật của Lầu Năm Góc tiết lộ trọng tâm hội nghị viện trợ Ukraine sắp tới

Tốc độ cung cấp vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang leo thang. Sau xe tăng chiến đấu chủ lực, việc cung cấp máy bay chiến đấu vốn được coi là điều "không tưởng" trước đây sẽ sớm được các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt lên bàn cân.

Chú thích ảnh
Một máy bay chiến đấu F-16 tham gia cuộc tập trận của NATO gần căn cứ không quân ở Lask, miền Trung Ba Lan vào năm 2022. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik ngày 29/1, tờ Politico của Mỹ cho biết chiến dịch đưa F-16 tới Ukraine đang được Lầu Năm Góc đẩy mạnh trong khi Ukraine đang chuẩn bị cho khả năng Nga tấn công vào mùa xuân này.

Cụ thể, các quan chức quân đội Mỹ đang âm thầm thúc đẩy Bộ Quốc phòng Mỹ bật đèn xanh cho việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất, mặc dù Ukraine đã nhiều lần yêu cầu.

Theo các nguồn tin, chiến dịch vận động gửi F-16 cho Ukraine diễn ra bên trong Bộ Quốc phòng Mỹ đang dần tăng tốc. Tinh thần lạc quan một phần là nhờ Mỹ mới quyết định gửi xe tăng M1 Abrams và hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine.

Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói với truyền thông Mỹ rằng ông nghĩ Bộ Quốc phòng Mỹ không phản đối ý tưởng này, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cung cấp chiến đấu cơ. Trong khi đó, quan chức này nói Ukraine nên chỉ rõ rằng máy bay chiến đấu F-16 là ưu tiên hàng đầu.

Một nguồn tin khác cho biết có thể mất vài tuần để Mỹ đưa ra quyết định về việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng các máy bay chiến đấu sẽ phải được lấy từ kho của chính Mỹ hoặc tái xuất khẩu từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ quan tâm nhiều hơn đến tình trạng hết dần tên lửa cho các hệ thống phòng không của Ukraine vào thời điểm hiện tại. Nguồn tin trên cho biết nếu Ukraine hết tên lửa, các máy bay chiến đấu tân tiến của Nga sẽ làm chủ không phận Ukraine và nước này sẽ không thể đáp trả. Do đó, các máy bay chiến đấu hiện đại có thể giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, một số quan chức Lầu Năm Góc lập luận rằng các lực lượng Ukraine có nhu cầu cấp thiết hơn về các hệ thống phòng không truyền thống, trong đó có cả Patriot và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS), thay vì F-16 vì phải mất vài tháng mới giao được F-16 đến Ukraine.

Mặc dù Mỹ vẫn chưa quyết định về việc chuyển máy bay chiến đấu, nhưng Ukraine đã lập danh sách khoảng 50 phi công sẵn sàng cho khóa huấn luyện lái F-16, biết nói tiếng Anh và có thành tích thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ chiến đấu.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang Đức sẽ cung cấp 14 xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine từ kho dự trữ, nhưng bác bỏ lời kêu gọi viện trợ máy bay chiến đấu. Ông Scholz nói rằng ông không muốn cuộc xung đột Ukraine biến thành một cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và NATO.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ cũng xác nhận rằng đã diễn ra một cuộc tranh luận nội bộ về việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu hiện đại. Một nhà ngoại giao từ một quốc gia Bắc Âu cho biết: “Bước đi tự nhiên tiếp theo sẽ là máy bay chiến đấu”.

Người này cho biết thêm: Mỹ đã nói với Ukraine rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu là “không được phép vào lúc này”, nhưng trước đó, Mỹ cũng nói điều tương tự về HIMARS (hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao) và xe tăng chiến đấu.

Một đặc phái viên cấp cao từ một cường quốc châu Âu cũng nhấn mạnh tốc độ cung cấp vũ khí phương Tây đang leo thang. Vị quan chức này nói: “Hôm nay hoàn toàn không thể tưởng tượng được về các máy bay chiến đấu, nhưng chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này sau hai, ba tuần nữa".

Các bộ trưởng quốc phòng từ các nước đồng minh của Ukraine sẽ tổ chức một hội nghị vào tháng 2 tới tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Tây Nam Đức. Tại hội nghị, vấn đề hỗ trợ Ukraine về không quân dự kiến ​​sẽ là trọng tâm chính.

Các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây vào ngày 24/2/2022, đáp lại lời kêu cứu từ các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk.

Vào tháng 4, Nga đã gửi một công hàm tới các quốc gia thành viên NATO để lên án khối này hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ chuyến vận chuyển vũ khí nào trên lãnh thổ Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng Nga.

Thùy Dương/Báo Tin tức
NATO đặt lằn ranh đỏ cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga
NATO đặt lằn ranh đỏ cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga

Theo Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự này đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN