Khi mùa Đông đang cận kề, tình trạng giá dầu mỏ, khí đốt và than đá lại tăng vọt khiến chính phủ nhiều quốc gia châu Á chật vật kiềm chế khủng hoảng năng lượng. Các nhà cung cấp không thể bắt kịp tốc độ nhu cầu sử dụng điện khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa sau thời gian đóng băng vì dịch COVID-19.
Giá dầu của Mỹ đã vượt mức 80 USD/thùng vào ngày 11/10, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trong tuần này ghi nhận mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2008. Trong khi đó, giá than đá tại Trung Quốc cũng đạt mức đỉnh ngày 12/10, tăng tới 11% chỉ trong một phiên.
Kênh DW (Đức) dẫn lời ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế học tại công ty IHS Markit (Anh) nhận định: “Mức tăng mạnh giá than đá đã dẫn đến những vấn đề đáng kể với các nền kinh tế châu Á”. Ông cho rằng một số nhà máy điện tại Trung Quốc và Ấn Độ đã “phụ thuộc nhiều vào than nhập khẩu và ngày càng dễ tổn thương khi giá tăng mạnh”.
Tình huống khó khăn của ngành điện Trung Quốc khiến nhiều ngành sản xuất khác phải giảm sản lượng như xi măng, thép, nhôm…
Nhà phân tích Ghee Peh tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ đánh giá: “Thông thường các nhà sản xuất sẽ tự xử lý mức giá cao. Nhưng trong năm nay, khi việc này không thể đem lại lợi nhuận thì họ không có động lực để sản xuất thêm điện”.
Cắt điện, giảm sản xuất
Tình trạng thiếu điện khiến Chính phủ Trung Quốc phải hành động. Vào ngày 12/10, Bắc Kinh tuyên bố sẽ buộc khách hàng công nghiệp và thương mại mua điện với giá thị trường. Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc còn trầm trọng hơn do lũ lụt khiến hàng chục mỏ than phải đóng cửa.
Than đá đóng vai trò thiết yếu với an ninh năng lượng Trung Quốc. Hiện tại than đá chiếm tới gần 60% lượng tiêu thụ năng lượng của nước này. Mặc dù là nhà sản xuất than đá lớn nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhiều nhà phân tích dự đoán tình trạng thiếu hụt than đá có thể dẫn đến việc phải giảm 12% tiêu thụ điện công nghiệp của Trung Quốc trong quý 4 năm nay.
Ấn Độ cũng “khát” than đá
Mặc dù giữ vai trò nhà sản xuất than đá lớn thứ hai thế giới nhưng Ấn Độ cũng gặp khủng hoảng với kho dự trữ vơi dần do tác động của dịch COVID-19. Chính phủ Ấn Độ trong tuần này đã đề nghị các nhà sản xuất điện tăng cường nhập khẩu.
Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, có đến 85% trong tổng số 135 nhà máy điện được giám sát bởi liên bang đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng than đá.
Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ rơi vào tình cảnh bị cắt điện. Than đá đóng góp tới gần 70% lượng điện sản xuất được tại Ấn Độ. Khoảng 75% than đá được khai thác nội địa tại Ấn Độ.
Để đạt được cam kết đến năm 2060 trở thành quốc gia trung hòa carbon, Trung Quốc cần phải cắt giảm trên 80% nhu cầu than đá, đây được coi là mục tiêu xa vời. Ông Biswas dự đoán rằng than đá vẫn duy trì là “xương sống của năng lực sản xuất điện tại một số nền kinh tế lớn tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia trong một thời gian”. Ông cho rằng quá trình chuyển sang năng lượng sạch sẽ chỉ diễn ra về trung hạn.