Khi phương Tây hối thúc New Delhi giảm khí thải carbon, điểm mấu chốt chính là sự phụ thuộc của Ấn Độ vào than đá, một trong những nguồn nhiên liệu bẩn nhất, nhưng lại cung ứng gần 70% sản lượng điện tiêu thụ tại nước này.
Theo số liệu của Viện Brookings (Mỹ), có khoảng 4 triệu người Ấn Độ làm trực tiếp hoặc gián tiếp trong ngành khai thác than. Phần lớn các mỏ than tập trung ở vùng miền đông, còn được gọi là Vòng cung Than đá, bao gồm các bang Jharkhand, Chhattisgarh and Odisha.
Ở những bang này, khai thác than đá cũng là động lực của kinh tế. Than đá là mạch sống của nhiều cộng đồng bản địa, cũng là những vùng nghèo nhất ở Ấn Độ. “Ấn Độ không thể tồn tại được mà không có than đá”, Sudarshan Mohanty, thủ lĩnh công đoàn đại diện cho người lao động trong ngành khai mỏ ở Odisha, nói. Như nhiều khác, ông Mohanty cho rằng cần có thời gian để dịch chuyến chiến lược từng bước từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch, để bảo đảm không để nhóm người trong ngành khai thác than bị tụt lại phía sau.
Trong một thập kỉ qua, tiêu thụ than đá tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này vẫn tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn than đá, đồng thời đang lên kế hoạch khai thác nhiều mỏ than mới trong vài năm tới đây. Ấn Độ cũng đang dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, với mục tiêu tham vọng 40% lượng điện sản xuất ra đến từ các nguồn phi nhiên liệu hóa thạch.
Arunaba Ghosh, quan chức tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và nguồn nước ở New Delhi – một tổ chức tư vấn hàng đầu về khí hậu, cho biết Ấn Độ quyết tâm theo đuổi quá trình dịch chuyển sang năng lượng sạch, xanh. Ông dẫn chứng về hệ thống tàu điện ngầm ở New Delhi – hệ thống sử dụng 60% năng lượng từ mặt trời.
Nhưng việc triển khai các dự án năng lượng kiểu như vậy tại Ấn Độ cần rất nhiều nguồn đầu tư từ bên ngoài. “Không phải lúc nào cũng đủ tiền. Đơn giản là bởi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới cho các khoản đầu tư năng lượng sạch. Chúng tôi mong nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, bỏ vốn tại Ấn Độ và hưởng thành quả”, ông Ghosh chia sẻ.
Không có lựa chọn khác
Với dân số 1,3 tỉ người, nhu cầu năng lượng tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong 20 năm tới đây. Nhưng ví dụ thực tế tại cộng đồng ở Odisha cho thấy rõ những thách thức trong việc giảm phụ thuộc vào than đá trong khi vẫn phải đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng vọt.
Gia đình Jamuna Munda sống trong một khu nhà xập xệ ở gần rìa một khu mỏ ở Odisha. Hàng ngày, cô vẫn nấu ăn bằng bếp lò than. Munda là một trong hàng chục triệu người ở Ấn Độ vẫn phải sống trong cảnh không có điện. “Nếu không có than, chúng tôi không thể nấu nướng. Buổi tối, chúng tôi đốt than và giữ ấm căn nhà. Than đá đúng là có hại, nhưng chúng tôi sao có thể làm khác được? Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng than”, Munda chia sẻ.
Thiếu hụt nguồn cung năng lượng đang cho thấy rõ điều này. Ấn Độ là quốc gia mới nhất lún vào khủng hoảng điện năng, đe dọa đà phục hồi kinh tế từ đại dịch. Theo Bộ Điện lực Ấn Độ, 135 nhà máy nhiệt điện tại nước này hiện chỉ còn đủ lượng than dự trữ để phát điện trong 2-3 ngày, giảm so với mức dự trữ 13 ngày trong tháng 8.
“Ngành năng lượng Ấn Độ đang đối diện với một cơn bão hoàn hảo. Đó là tình cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nhưng nguồn cung lại hại chế và nguồn than đá dự trữ cho phát điện giảm sút do hạn chế nhập khẩu than”, Aurodeep Nandi, chuyên gia kinh tế chuyên về Ấn Độ tại công ty chứng khoán và tư vấn tài chính Nomura, nhận định.
Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu than đá trong vài tháng gần đây, khi giá trên thị trường thế giới tăng cao do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt từ châu Âu và Trung Quốc. Nguồn cung ứng nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện. Thêm vào đó, mùa mưa lớn trong tháng 9 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai mỏ, làm giảm sản lượng khai thác và cung ứng ra thị trường.
Thiếu hụt nguồn cung than đá tiềm ẩn nguy cơ buộc nhà chức trách phải cắt điện trên diện rộng, đẩy giá điện tăng cao. Giá than nhập khẩu từ Indonesia, nhà cung ứng than lớn nhất cho Ấn Độ, đã tăng từ 60 USD/tấn trong tháng 3 lên 200 USD/tấn trong tháng 9. Chính quyền đứng trước khả năng buộc phải tăng công suất, sản lượng khai thác than trong nước hoặc tăng lượng than nhập khẩu.
Nhiều người Ấn Độ không đồng tình với cách suy nghĩ của cô Munda. Họ dẫn chứng câu chuyện Ấn Độ đã có bước tiến lớn khi mở rộng được nguồn năng lượng thay thế khác như năng lượng mặt trời. Nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn than đá cho thấy, tương lai không than đá ở Ấn Độ vẫn là một chặng đường dài. Trên thực tế, trong cơ cấu sản lượng điện hiện nay ở Ấn Độ, nhiệt điện đáp ứng tới 66% tổng nguồn điện, tăng so với mức 62% trong năm 2019.