Theo Bloomberg, phát biểu trên được đưa ra trong hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ngày 13/10. Ông Putin nói: “Chúng tôi luôn thỏa hiệp với đối tác và sẵn sàng bàn bạc các động thái tiếp theo. Các dự án năng lượng của Nga gồm Nord Stream 2 nhằm đảo bảo nguồn cung khí đốt ổn định và có thể dự báo về khối lượng mà các nước châu Âu cần trong những năm tới”.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu diễn ra khủng hoảng khí đốt. Giá khí đốt hợp đồng giao sau ở châu Âu đã tăng vào ngày 13/10. Giá khí đốt châu Âu thậm chí còn dao động tới 40% trong giao dịch hàng ngày.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Putin đã có bước can thiệp tính toán để làm hạ nhiệt thị trường khi nói rằng tập đoàn Gazprom của Nga có thể tăng nguồn cung để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Ông Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng Vấn đề Quốc tế Nga, nhận định: “Tổng thống Putin thấy cơ hội trong khủng hoảng. Nga muốn ngăn chặn EU trì hoãn cấp phép cho Nord Stream 2 và bắt đầu đàm phán về mức giá khí đốt ổn định lâu dài”.
Nga từ lâu đã phản đối để thị trường giao ngay tác động tới việc định giá mà thích hình thức hợp đồng dài hạn ít biến động giá cả hơn. Tuy nhiên, tình trạng tự do hóa thị trường khí đốt ở EU đã buộc Gazprom phải điều chỉnh công thức định giá khí đốt.
Phó Tổng giám đốc điều hành Gazprom, Elina Burmistrova nói: “Tất nhiên mua khí đốt với giá hợp lý là điều tốt. Nhưng còn tốt hơn nếu biết trước chính xác giá khí đốt sẽ là bao nhiêu trong một tháng, một quý hoặc một năm nữa”.
Tổng thống Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay giới chức và các cố vấn EU phải chịu trách nhiệm một phần, khi họ thúc đẩy chuyển đổi sang định giá khí đốt giao ngay và không muốn lắng nghe điều gì khác.
Nga muốn khôi phục mối liên kết với giá dầu trong các hợp đồng khí đốt, bỏ cách định giá giao ngay của EU. Hiện nay, 20% nguồn cung khí đốt cho châu Âu của Gazprom kết nối với giá dầu, còn trên 50% được định giá trước một ngày hoặc một tháng. Nga cũng muốn giới chức châu Âu cho phép đường ống khí đốt Nord Streams 2 hoạt động càng sớm càng tốt.
Gazprom cung cấp 1/3 khí đốt thiên nhiên cho châu Âu. Khi mùa đông sắp tới, châu lục này càng phụ thuộc vào Nga để có thêm nguồn cung, tránh thiếu hụt khi thời tiết lạnh giá.
Thứ trưởng Năng lượng Nga Evgeny Grabchak cho biết Nga có đủ khí đốt tích trữ để vượt qua mùa đông này và sẵn sàng cho kịch bản mùa đông lạnh bất thường.
Về phần mình, EU hi vọng khủng hoảng khí đốt chỉ là hiện tượng ngắn hạn. EU đang tập trung hỗ trợ các nước thành viên vượt qua mùa đông khắc nghiệt khi giá khí đốt sẽ ở mức cao và có nguy cơ dự án đường ống Nord Stream 2 có thể phải vài tháng nữa mới bắt đầu hoạt động.
Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Kardri Simson ngày 12/10 cho biết lượng khí đốt tích trữ ngầm ở EU chỉ ở khoảng 75%, thấp hơn nhiều so với thập kỷ trước, nhưng đủ để đáp ứng nhu cầu.
EU cũng định tìm hiểu khả năng nhiều quốc gia cùng nhau mua khí đốt chung để có lợi thế mặc cả với các bên thứ ba. Điều này có nghĩa là EU có thể không lập tức hành động theo gợi ý của Tổng thống Putin, đặc biệt là khi EU và Nga căng thẳng về nhiều vấn đề như Belarus và Ukraine.
Gazprom xuất khẩu khí đốt nhiều kỷ lục cho châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhưng xuất khẩu giảm xuống hồi tháng 9 khi EU đang chật vật tìm cách tích trữ kho khí đốt. Nga cũng tăng cường tích trữ khí đốt cho riêng mình khiến EU cáo buộc đang chặn nguồn cung.
Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng Nga vẫn hoàn thành mọi nghĩa vụ theo hợp đồng với EU. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Gazprom đã bắt đầu bơm khí đốt từ kho dự trữ để hạ giá khí đốt đang tăng cao và muốn phối hợp với châu Âu để bình ổn thị trường.
Dù vậy, một quan chức chính phủ Nga nhận định Nga không hề có ảo tưởng rằng EU sẽ nhượng bộ về mặt chính trị hoặc giảm căng thẳng trong quan hệ sau cuộc khủng hoảng khí đốt này.