Cuộc bầu cử nhiều ẩn số ở Malaysia

Cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần thứ 14 diễn ra ngày 9/5 được đánh giá là “hấp dẫn và đáng quan tâm nhất” từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

Sự xuất hiện của những nhân tố mới có khả năng thay đổi “cuộc chơi” trên chính trường Malaysia trong thời gian gần đây đang khiến cuộc bầu cử ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận, song cũng trở nên khó đoán định hơn.

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) phát biểu tại một sự kiện ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/TTXVN

Tham gia cuộc bầu cử lần này có 3 lực lượng chính, gồm liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN), Liên minh đối lập (PH) và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS). Các đảng phái sẽ cạnh tranh 222 ghế trong Hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ. Kể từ khi Malaysia độc lập năm 1967 cho đến nay, liên minh BN với nòng cốt là đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) liên tục là lực lượng lãnh đạo đất nước, bởi UMNO gần như là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất về mặt sắc tộc cho những người Malaysia bản địa, đặc biệt là người dân ở nông thôn. Phe đối lập, dù giành được nhiều hay ít ghế, nhưng chưa bao giờ bước lên đỉnh quyền lực tại Malaysia.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM) do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo, cử tri đã có thêm một lựa chọn. Dưới sự chèo lái của ông Mahathir, một chính trị gia lão luyện với 22 năm làm thủ tướng, PPBM - thành lập tháng 9/2016, ngày càng nổi lên là một lực lượng “đáng gờm” đối với UMNO cũng như liên minh cầm quyền BN nói chung. Các chuyên gia theo dõi tình hình chính trị tại Malaysia đều có chung nhận định rằng sự xuất hiện của PPBM chắc chắn sẽ dẫn đến việc “chia phiếu bầu” trong số cử tri người Malaysia gốc.

Nhân tố thứ hai có khả năng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử chính là việc cựu Thủ tướng Mahathir, Chủ tịch PPBM, được lựa chọn làm ứng cử viên thủ tướng của liên minh đối lập. Với những kinh nghiệm dẫn dắt BN cũng như UMNO nhiều thập kỷ, ông Mahathir là người “tỏ tường” hơn ai hết về những “đường đi nước bước” của liên minh cầm quyền. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho PPBM nói riêng và phe đối lập nói chung trong việc cạnh tranh giành phiếu bầu của cử tri. Nhưng quan trọng hơn hết, bản thân ông Mahathir hiện vẫn là chính trị gia được đông đảo người dân Malaysia tín nhiệm và kính trọng.

Mặc dù một số công việc trong thời kỳ ông Mahathir nắm quyền bị đánh giá là “để lại hậu quả” cho đất nước, song không thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Mahathir, bộ mặt Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản. Từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ô tô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya…, tất cả đều mang đậm dấu ấn nhà lãnh đạo Mahathir. Người dân Malaysia chưa thể quên những việc mà ông đã làm cho đất nước.

Trong suốt thời gian vận động tranh cửa vừa qua, ông Mahathir liên tục xuất hiện, thông qua cả mạng xã hội và diễn thuyết trước đám đông để trình bày quan điểm về nhiều vấn đề mà Malaysia đang phải đối mặt và người dân đang quan tâm. Qua đó, ông kêu gọi sự ủng hộ của cử tri, thúc giục cử tri có những thay đổi trong lần bầu cử sắp tới. Những hoạt động tích cực thời gian qua cho thấy mặc dù tuổi đã cao (92 tuổi), song ông Mahathir vẫn là đối thủ “khó nhằn” của đương kim Thủ tướng Najib Razak.

Yếu tố thứ 3 có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri là vấn đề thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được áp dụng từ năm 2014. Dù đã mang về cho ngân sách Malaysia trên 10 tỷ USD mỗi năm, được chính phủ xem là một nguồn thu quan trọng, song đa số dân Malaysia đều phản đối bởi nó đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp, “sát sườn” đến người dân. Cùng với việc chi phí sinh hoạt tăng lên trong thời gian gần đây, thuế GST luôn là tâm điểm chỉ trích của người dân Malaysia đối với chính phủ nói chung và cá nhân Thủ tướng Najib nói riêng. Thuế GST và sự xuất hiện của các đảng phái dựa trên sự ủng hộ của người Malaysia bản địa hiện được coi là hai yếu tố định hình chính trường Malaysia hiện nay, đồng thời có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, liên minh cầm quyền cũng đang có những “quân bài” quan trọng, có thể tác động mạnh tới phiếu bầu của cử tri. Nổi bật trong đó là những thành tích khá ấn tượng về phát triển kinh tế đất nước trong khoảng thời gian hơn 1 năm qua. Như Thủ tướng Najib công bố, Malaysia là nước duy nhất mà các thể chế tài chính lớn trên thế giới phải điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng kinh tế đến 4 lần trong vòng hơn 1 năm. Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia đã tăng 5,9%, mức tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 12 năm ngoái ở mức 3,3%, là mức thấp nhất tính từ năm 2015. Theo dự báo, kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, trên 5%/năm trong thời gian tới. Đối với Chính phủ Malaysia và đương nhiên đối với cả các cử tri, đây là những con số “biết nói”.

Cương lĩnh tranh cử của BN gồm 341 sáng kiến, được chia thành 14 điểm đột phá liên quan hàng loạt vấn đề của đời sống xã hội Malaysia, trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. BN đặt mục tiêu tạo ra 3 triệu việc làm mới, cam kết hỗ trợ người dân trong việc mua nhà ở, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng mức lương tối thiểu lên 1.500 ringgit (khoảng 8.700.000 VND), tăng đầu tư cho giáo dục và y tế…So với cương lĩnh của phe đối lập, cương lĩnh của BN được đánh giá có tính thực tế và toàn diện hơn, đề cập những vấn đề mấu chốt mà người dân Malaysia đang phải đối mặt. Cương lĩnh này sẽ là nền tảng giúp Malaysia giải quyết những thách thức phía trước cũng như hướng đến mục tiêu trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Và đương nhiên, đây cũng là một “điểm cộng” cho liên minh cầm quyền trong việc giành phiếu bầu của cử tri.

Ngoài ra, với lợi thế là đảng cầm quyền, trong suốt thời gian qua, liên minh BN đã liên tục có những động thái “lấy lòng” cử tri. Từ việc công bố ngân sách năm 2018 cho đến các chương trình thăm hỏi, tặng tiền, quà, công bố các gói hỗ trợ… cho các tầng lớp dân chúng, các sắc tộc dân cư khác nhau, BN đã tạo nên cảm giác về một sự ủng hộ mạnh mẽ mà cử tri dành cho liên minh, ít nhất là trên các phương tiện truyền thông.

Về phía đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS), lực lượng chỉ đứng sau liên minh BN về số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2013, có thể nói cũng đang đứng trước một cơ hội lịch sử. PAS có thể thu hút lá phiếu của các cử tri thất vọng với cả liên minh cầm quyền lẫn liên minh đối lập. Lãnh đạo PAS còn tuyên bố rằng, “không có lý do gì cản trở PAS liên minh với BN trong việc thành lập chính phủ sau bầu cử”. Sự tự tin của PAS còn thể hiện ở việc đảng này quyết định tranh đua gần 160 ghế trong tổng số 222 ghế hạ viện.

Trong bối cảnh các lực lượng chính trị đều nỗ lực và cạnh tranh nhau mạnh mẽ trong vận động bầu cử, cử tri Malaysia càng có nhiều cân nhắc, vì vậy thái độ của cử tri Malaysia tại cuộc bầu cử lần này được cho là khó đoán định nhất. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy một tỷ lệ không nhỏ cử tri cho biết vẫn chưa có được sự lựa chọn cuối cùng. Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến nhiều cử tri vẫn còn phân vân chính là việc không có những gương mặt mới nổi bật trong danh sách ứng cử viên, ngoài hai cái tên cũ là đương kim Thủ tướng Najib và cựu Thủ tướng Mahathir. Người dân Malaysia vốn không quá cởi mở với những vấn đề về chính trị, do vậy, việc họ có đi bỏ phiếu hay không, tỷ lệ đi bỏ phiếu là bao nhiêu và sẽ bầu chọn ai hiện vẫn là ẩn số.

Hoàng Nhương (P/v TTXVN tại Malaysia )
Lãnh đạo phe đối lập tại Malaysia bị điều tra theo luật chống tin tức giả mạo
Lãnh đạo phe đối lập tại Malaysia bị điều tra theo luật chống tin tức giả mạo

Hãng thông tin Bernama đưa tin Phó Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) Rafizi Ramli sẽ bị cảnh sát Malaysia điều tra theo Luật chống tin tức giả mạo 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN