Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (38.679 ca), Ấn Độ (38.153 ca) và Anh (29.173 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.266 ca), Nga (779 ca) và Brazil (424 ca).
Như vậy, số ca mắc và tử vong mới ở Indonesia cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 35 triệu ca, trong đó trên 626.700 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 31 triệu ca mắc, trong đó gần 421.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba tới trên 19,6 triệu ca mắc và gần 550.000 ca tử vong.
Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội ở ngoài khu vực Seoul và vùng phụ cận
Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ giãn cách xã hội cao thứ hai (cấp độ 3) ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 27/7, động thái mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 ở các tỉnh thành vào cao điểm của kỳ nghỉ Hè.
Thông báo trên được đưa ra trong cuộc họp bàn về cách thức ứng phó với dịch bệnh của chính quyền do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì.
Trước đó vài ngày, các quan chức y tế đã gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực Seoul, tỉnh Gyeonggi xung quanh và thành phố cảng phía Tây Incheon, cho đến ngày 8/8 tới.
Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ mối quan ngại lớn nhất hiện nay là dịch bệnh ở khu vực ngoài thủ đô, cho rằng giải pháp trên là bắt buộc và cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ở cấp độ 3, người dân chỉ được phép gặp mặt riêng tư tối đa 4 người và không được tụ tập trên 50 người. Các nhà hàng, quán cà phê và quán karaoke có thể mở cửa đến 10 giờ tối.
Làn sóng dịch bệnh thứ tư đã đẩy số ca mắc COVID-19 hằng ngày trên toàn Hàn Quốc lên trên 1.000 ca kể từ ngày 7/7. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 25/7, nước này có thêm 1.487 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.422 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 188.848 ca.
80% người đã tiêm vaccine tại Israel không làm lây bệnh ra cộng đồng
Báo cáo của Bộ Y tế Israel cho thấy trong số những người đã được tiêm phòng vaccine sau đó bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có 80% không làm làm lây lan dịch bệnh ra những người xung quanh ở nơi công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập…
Cụ thể, trong số những người đã được tiêm phòng thì có 10% khiến 1 người khác bị lây nhiễm; 3% làm lây nhiễm cho 2-3 người và 7% còn lại chưa xác định có phải là nguồn lây nhiễm hay không. Báo cáo của Bộ Y tế không nói rõ trong các ca lây nhiễm từ sự kiện đông người có bao nhiêu trường hợp bị lây nhiễm từ những cá nhân chưa tiêm phòng.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tại Israel vẫn ở mức cao trên 1.000 ca/ngày, buộc chính phủ nước này phải áp dụng trở lại một số biện pháp kiểm soát như phải trình “Thẻ xanh” - tức giấy chứng nhận đã tiêm phòng - khi tới các tụ điểm công cộng trong không gian kín hay hạn chế số lượng người tại các sự kiện văn hóa thể thao.
Hôm 22/7, Thủ tướng Israel Naftali Bennett tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm phòng sớm nếu không muốn phải bỏ tiền túi để làm việc này. Israel vẫn đang miễn phí tiêm vaccine COVID-19, nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu người không chịu đi tiêm.
Tổng số ca nhiễm tại Malaysia vượt ngưỡng 1 triệu ca
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia chính thức vượt mốc 1 triệu ca với 17.045 ca mắc mới được ghi nhận ngày 25/7. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 1.013.438 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Báo cáo ngày 25/7 của Bộ Y tế Malaysia cho biết số ca mắc mới trong 24 giờ qua cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Đây cũng là ngày thứ 13 liên tiếp, Malaysia ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới/ngày. Số ca nhiễm mới tập trung đông nhất tại bang Selangor (8.500 ca), tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.045 ca và bang Kedah với 1.216 ca.
Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã kêu gọi đoàn kết vượt qua đại dịch COVID-19. Theo ông, thành công của Kế hoạch phục hồi quốc gia (PPN) giúp đưa Malaysia thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của tất cả các bên, vì đây là “cách tiếp cận toàn dân” chứ không phải là “toàn bộ chính phủ".
Indonesia trước nguy cơ xuất hiện biến thể virus nguy hiểm hơn cả Delta
Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta, biến thể phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và đang hoành hành ở nhiều nước với đặc tính dễ lây lan hơn.
Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này bị cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể".
Giám đốc Viện Eijkman (Indonesia), một tổ chức chính phủ nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, Amin Soebandrio cảnh báo rằng dù chưa có biến thể mới nào xuất hiện nhưng Indonesia vẫn cần phải thận trọng. Theo chuyên gia này, với số ca mới ngày càng tăng thì "khó lường trước được điều gì". Ông nhấn mạnh cần phải quan sát kỹ lưỡng để phát hiện những biến thể mới ngay khi vừa xuất hiện.
Trong khi đó, tiến sĩ Ravina Kullar, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết virus luôn không ngừng thay đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gene di truyền của chúng để tạo ra biến thể mới. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang được phát hiện trên thế giới mỗi tuần nhưng chưa đáng lo ngại vì không phổ biến hoặc nhanh chóng biến mất. Chỉ khi biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhập viện hay tử vong ở người và làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như các phương pháp điều trị, WHO mới xếp chúng vào nhóm "đáng lo ngại".
Giới chức Đức hối thúc tăng tỷ lệ tiêm vaccine trước làn sóng COVID-19 mới
Ông Helge Braun, Chánh văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ quan ngại số lượng ca nhiễm virus mới sẽ tăng trong những tuần tới và có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 9 tới, gây ra những vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp. Những quan ngại của ông Braun được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng trở lại từ đầu tháng 7 do sự lây lan của biến thể Delta.
Phát biểu với tuần báo Bild am Sonntag, ông Braun cho biết số ca lây nhiễm đang tăng 60% mỗi tuần dù gần một nửa dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo ông, thực trạng này cho thấy cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi cách ứng phó để tránh kịch bản 1 ngày ghi nhận 850 ca nhiễm/100.000 người. Ông cảnh báo nếu kịch bản này xảy ra sẽ gây tác động vô cùng lớn bởi khi đó sẽ rất nhiều người phải cách ly, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy - điều đã xảy ra tại Anh.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức là 3,76 triệu người sau khi ghi nhận 1.108 ca mắc mới trong ngày 24/7. Tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 7 ngày qua đã lên tới 13,8 người/100.000 người. Ông Braun kêu gọi người dân Đức đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch COVID-19.
Đến nay, có 60% trong tổng số 83 triệu người tại Đức đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, khoảng 48% đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.
Tổng thống Pháp kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine
Ngày 25/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng trốn tránh tiêm vaccine là biểu hiện của “sự vô trách nhiệm”, đồng thời hối thúc người dân đi tiêm vaccine. Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh tại Pháp diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối quy định về chứng nhận vaccine và việc bắt buộc tiêm vaccine đối với một số nhóm ngành nghề.
Phát biểu trước các nhân viên y tế tại một bệnh viên ở Tahiti, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng tất cả các chuyên gia y tế mà ông từng tiếp xúc đều tin tưởng vào hiệu quả của vaccine. Ông nói: “Các bạn coi tự do là việc không tiêm vaccine khi không muốn. Nếu ngày mai bạn lây bệnh cho bố mẹ mình, lây bệnh cho tôi, chúng tôi sẽ trở thành nạn nhân của bạn. Đó không phải tự do, đó là sự vô trách nhiệm, là cố chấp, ích kỷ… Do biến thể Delta, dịch bệnh sắp bùng lên một lần nữa. Thông điệp của tôi rất đơn giản: Hãy tiêm vaccine”.
Trong tháng 7, Tổng thống Pháp đã công bố một loạt biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch COVID-19. Bắt đầu từ tháng 8, nhà hàng, quán bar, các trung tâm mua sắm, máy bay và tàu chạy đường dài sẽ yêu cầu hành khách phải trình giấy chứng nhận đã được tiêm vaccine hoặc đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế bắt buộc phải tiêm vaccine.
Quan ngại làn sóng lây nhiễm mới tại Australia
Ngày 25/7, bang New South Wales (NSW), thông báo ghi nhận thêm 141 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số ca tại bang đông dân nhất Australia này lên hơn 2.000 ca. Đây là ngày ghi nhận số ca mới cao thứ 2 tại bang NSW, sau khi ghi nhận số ca mới lên mức cao chưa từng thấy trước đó 1 ngày, với 163 ca.
Quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới đang ngày một gia tăng tại bang NSW sau khi hàng nghìn người tham gia phản đối kế hoạch phong tỏa của chính quyền.
Phát biểu với báo giới, Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian đã chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình ngày 24/7. Theo bà, hàng triệu người tại bang NSW đã và đang tuân thủ các quy định phòng, chóng COVID-19, song có những người lại tỏ thái độ coi thường. Người đứng đầu bang NSW lo ngại cuộc biểu tình ngày 24/7 là một bước lùi của bang trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Làn sóng lây nhiễm mới tại NSW đã bùng phát trở lại vào tháng 6 vừa qua, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện đã có 2.081 ca mắc tại bang này. Riêng trong ngày 25/7, có 43 người phải điều trị đặc biệt, tăng 6 người so với 1 ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, đã có 2 người tử vong, trong đó có 1 phụ nữ khoảng 30 tuổi không có bệnh lý nền.
Sau 4 tuần phong tỏa thành phố Sydney, hiện số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Dự kiến, thành phố này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa qua ngày 30/7.
Canada có thể tránh được kịch bản tệ nhất của làn sóng lây nhiễm thứ 4
Nhận định của các chuyên gia y tế cho rằng Canada có khả năng sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 của dịch COVID-19, khi biến thể Delta tiếp tục lây lan rộng ở thời điểm biên giới và trường học chuẩn bị mở cửa, nhưng đợt bùng phát này sẽ không đưa Canada quay lại thời kỳ khủng hoảng như trước.
Các nhà miễn dịch học, virus học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Canada dự đoán so với các làn sóng trước, tỷ lệ các ca bệnh nặng sẽ ít hơn, do hiệu quả của vaccine COVID-19 và tâm lý sẵn sàng tiêm chủng của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng, do lựa chọn hoặc do thiếu khả năng tiếp cận hoặc không đủ điều kiện tiêm chủng, trong đó có hàng triệu trẻ em Canada chuẩn bị đi học trở lại chỉ sau hơn một tháng nữa.
Matthew Miller, Phó Giáo sư về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Đại học McMaster ở Hamilton, dự báo Canada sẽ lại chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm, có lẽ tương tự như năm ngoái, khi trời sang Thu và thời tiết lạnh giá đến. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là những "gợn sóng nhỏ", không phải là những cơn sóng "hung hãn" như trước đó.
Cho đến nay, Canada đã có hơn 1,4 triệu ca mắc. Hơn 80% người Canada từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, và hơn 60% đã tiêm hai mũi. Những con số đó giảm xuống còn khoảng 70% nhận một liều vaccine và chỉ hơn 50% được tiêm chủng đầy đủ khi xem xét trên quy mô toàn bộ dân số của đất nước.
Nam Phi nới lỏng nhiều quy định giãn cách xã hội
Tối 25/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hạ mức cảnh báo phong tỏa toàn quốc xuống cấp độ 3, đồng nghĩa với việc nới lỏng giờ giới nghiêm buổi tối, đồ uống có cồn được phép bán trở lại, các cuộc tụ tập có thể diễn ra và người dân có thể đi lại liên tỉnh vì mục đích giải trí.
Theo Tổng thống Ramaphosa, đất nước đã vượt qua đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 3, dù có một số khu vực cần quan tâm đặc biệt vì số ca mắc COVID-19 mới trong ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Hôm 28/6, Nam Phi đã nâng mức cảnh báo phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4 - dưới cấp độ cao nhất 1 bậc, khi ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 mới trong làn sóng lây nhiễm mới. Ở thời điểm đỉnh dịch, mỗi ngày Nam Phi có trung bình hơn 15.000 ca mắc mới, thậm chí có những ngày ghi nhận hơn 20.000 trường hợp.
Ngay trước bài phát biểu của Tổng thống, Viện quốc gia về các bệnh Truyền nhiễm (NICD) Nam Phi cho biết đã có 9.718 trường hợp mắc COVID-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong số đó, 287 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 mới được ghi nhận cùng thời gian, nâng tổng số người chết do dịch bệnh trên toàn quốc đến nay là 69.775.