COVID-19 tới 6h sáng 17/3: Ca mắc mới ở Hàn Quốc vượt 400.000; Sóng dịch nghiêm trọng tại Australia

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.300 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 463 triệu ca, trong đó trên 6,07 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 2/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (400.741 ca), Đức (275.807 ca) và Pháp (108.832 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (576 ca), Mỹ (570 ca) và Đức (298 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 993.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,4 triệu ca mắc và trên 655.000 ca tử vong.

CDC Mỹ cảnh báo tốc độ lây lan của biến thể "Omicron tàng hình"

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình”, đang là biến thể lây lan chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại nước này, chiếm 25% số ca mắc mới, tăng mạnh so với mức 10% của một tuần trước đó.

Kể từ tháng 1 vừa qua, Omicron dường như là biến thể chủ đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, dòng phụ BA.2 đang dần nổi lên. Theo CDC Mỹ, các bang ở Đông Bắc hiện ghi nhận tỷ lệ nhiễm "Omicron tàng hình" cao nhất. Trong khi đó, khu vực trải rộng từ New York và New Jerrsey ghi nhận 39% số ca bệnh nhiễm biến thể này. Tỷ lệ này tại New England đã là 38,6%.

Mặc dù số ca nhiễm BA.2 dường như đang tăng tại Mỹ, song gần như nó không gia tăng với tốc độ nhanh chóng như các quốc gia khác. Thời gian số ca nhiễm mới tăng gấp đôi ở Mỹ dường như đang chậm lại.

Tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày tại Đức cao kỷ lục

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/3, Đức thông báo tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày cao kỷ lục trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Viện Robert Koch (RKI) ghi nhận 275.807 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng 22% so với một tuần trước đó, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên gần 17,7 triệu ca. Tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày tăng lên mức cao kỷ lục mới 1.607/100.000 dân vào ngày 16/3. Số ca mắc mới tăng trở lại kể từ đầu tháng 3 sau khi các quy định cấm những người chưa tiêm vaccine đến các khu vực công cộng có không gian kín bắt đầu được nới lỏng.

Trong 24 giờ qua, Đức cũng ghi nhận thêm 298 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca không qua khỏi từ đầu dịch lên 126.803.

Số ca mắc mới mỗi ngày tại Pháp lên trên 100.000 ca

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Montreuil, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết làn sóng gia tăng trở lại số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày hiện nay sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 3.

Số ca mắc mới trong 24 giờ tại nước này đã tiếp tục vượt mốc 100.000 ca trong một tháng qua, lên mức 108.832 ca. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nước này đã hành động đúng khi dỡ bỏ phần lớn các hạn chế phòng dịch.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc 400.000 ca

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 14/3/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc ngày 16/3 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua đã vượt mốc 400.000 ca, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 400.741 ca mắc mới, chủ yếu là lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 7.629.275. Đây là số ca mắc mới ghi nhận theo ngày cao nhất tại Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1/2020. Trong 24 giờ qua Hàn Quốc cũng có thêm 164 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số lên 11.052 người. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 0,14%. Đáng lo ngại, số bệnh nhân nặng cũng đang ở mức cao chưa từng thấy, với 1.244 người, tăng 48 người so với ngày trước đó.

Hàn Quốc chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến kể từ đầu năm nay, với số ca mắc mới hằng ngày liên tiếp tăng từ 4 chữ số lên 6 chữ số trong khoảng 3 tuần kể từ tháng 2. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực đưa nước này về trạng thái bình thường mới.

Trung Quốc nỗ lực giảm tải áp lực cho hệ thống y tế

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 14/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại, khiến việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn.

Chỉ 3 tuần trước, Trung Quốc ghi nhận chưa đến 100 ca mắc mới/ngày, song con số này đã vượt 1.000 ca mới/ngày chỉ trong một tuần. Trong ngày 16/3, Trung Quốc báo cáo 3.290 ca mắc mới do biến thể Omicron lây lan mạnh, khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh phong tỏa và gia tăng sức ép lên hệ thống y tế. Trước tình hình này, Ủy ban Y tế quốc gia vừa công bố phác đồ chẩn đoán và điều trị mới với nhiều thay đổi nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện vì lo ngại tình trạng thiếu giường bệnh. Đối với người mắc COVID-19 nhẹ chỉ cần cách ly tại một cơ sở tập trung và điều trị, thay vì đến bệnh viện chỉ định như trước đây. Lý do là bởi hầu hết các ca bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế nhiều, trong khi việc có nhiều bệnh nhân nhập viện sẽ tốn rất nhiều nguồn lực y tế.

Tại Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc, nhà chức trách tiếp tục tăng cường chiến dịch xét nghiệm hàng loạt. Thượng Hải cũng đã đóng cửa các trường học và tuần này bắt đầu phong tỏa các khu dân cư riêng lẻ có ca bệnh hoặc ca nghi tiếp xúc gần với ca mắc trong ít nhất 48 giờ. Chính quyền thành phố cho biết trong những ngày tới cũng sẽ bắt đầu phong tỏa và xét nghiệm một số lượng người tại các "khu vực trọng điểm" ở Thượng Hải.

Israel phát hiện biến thể lai mới của virus SARS-CoV-2

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/3, Bộ Y tế Israel thông báo phát hiện 2 trường hợp nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến thể này là sự kết hợp giữa biến thể Omicron gốc (BA.1) và dòng phụ BA.2.

Đài phát thanh 103FM dẫn lời Tổng giám đốc Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho biết, biến thể lai mới gây triệu chứng sốt nhẹ, đau cơ và đau đầu nhưng không cần biện pháp điều trị đặc biệt. Ông Ash nêu rõ biến thể này chưa từng được phát hiện trên toàn thế giới và bộ trên đang theo dõi sát tình hình. Tuy nhiên, giới chức y tế Israel bày tỏ ít lo ngại về biến thể này.

Trong những tuần qua tốc độ lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra ở Israel đã giảm rõ rệt, từ mức khoảng 30.000 ca/ ngày hồi giữa tháng 2, xuống còn khoảng 6.300 ca hôm 15/3. Tuy nhiên hệ số R (số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh) đã đạt mức 0,9 vào sáng 16/3, tăng tương đối so với mức 0,66 trước đó 10 ngày.

Trước thông tin xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia y tế Israel vẫn cho rằng khó có khả năng xảy ra một làn sóng lây lan mới ở nước này. Tuy nhiên, Thủ tướng Naftali Bennett đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ động nắm tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước trong bối cảnh Israel chuẩn bị bước vào lễ Purim, sau đó là lễ Vượt qua, khi người dân tụ tập ăn uống có thể làm gia tăng tốc độ lây lan dịch bệnh.

Ấn Độ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-14 tuổi

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thiếu niên ở độ tuổi 12-14 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 16/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, ngày 16/3, Ấn Độ tiếp tục mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với việc bắt đầu tiêm vaccine cho thiếu niên từ 12-14 tuổi, đồng thời dỡ bỏ hạn chế về liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi.

Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: "Hôm nay là một ngày quan trọng đối với nỗ lực của Ấn Độ trong việc chủng ngừa cho người dân. Từ nay, các trẻ em trong độ tuổi 12-14 đủ điều kiện để tiêm vaccine và tất cả những người trên 60 tuổi đều đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường. Tôi kêu gọi những người trong các nhóm tuổi này nên đi tiêm phòng”.

Chính phủ Ấn Độ ước tính khoảng 50 triệu trẻ em sẽ được tiêm vaccine hai mũi Corbevax, do một công ty trong nước là Biological E sản xuất. Corbevax của công ty này trước đó đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với cho trẻ em. Hai mũi tiêm sẽ cách nhau 28 ngày.

Theo thông báo cập nhật ngày 16/3, trong 24 giờ qua, Ấn Độ chỉ ghi nhận 2.146 ca mắc mới COVID-19 và 59 ca tử vong. Do tình hình dịch bệnh đã lắng dịu đáng kể, đến nay, các địa phương nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng chống dịch, trong đó các trường học tại thủ đô New Delhi sẽ nối lại việc học trực tiếp đầy đủ bắt đầu từ ngày 1/4 tới.

Số ca mắc mới tại Lào tăng mạnh

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 16/3, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 848 ca mắc mới COVID-19 mới, tăng mạnh so với con số trung bình khoảng 200 ca/ngày trong tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân chính được cho là biến thể Omicron đang có xu hướng tăng mạnh tại nước này.

Thông báo của Bộ Y tế Lào cho biết cứ 10 mẫu được kiểm tra ngẫu nhiên tại thủ đô Viêng Chăn có 9 ca được xác định nhiễm biến thể Omicron. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp trong khu vực, dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron tại Lào sẽ tiếp tục tăng cao trong một hoặc hai tháng tới.

Để hạn chế lây lan và sớm khống chế đợt bùng phát mới, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân đề phòng biến thể Omicron, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và vận động những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều hoàn thành tiêm chủng để nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 87,25% dân số vào cuối năm 2022.

Tính đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 148.257 ca mắc COVID-19, trong đó có 643 ca tử vong.

Australia đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số bang của Australia đang chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang lây lan mạnh trên khắp đất nước.

Trong ngày 16/3, bang New South Wales ghi nhận 30.402 ca mắc mới, tăng mạnh so với con số 10.689 ca một ngày trước đó. Bang này cũng ghi nhận thêm 5 trường hợp tử vong và 1.016 trường hợp nhập viện với 36 người được điều trị tích cực. Các cơ quan y tế cảnh báo bang này sẽ đối mặt với một làn sóng mới dịch COVID, với số ca mắc mới có khả năng tăng gấp đôi vào giữa tháng tới do lo ngại về sự lây lan của biến thể phụ BA.2.

Bang Victoria lân cận cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 5 tuần, với 9.426 ca trong ngày 16/3, tăng mạnh so với 7.460 ca vào ngày 15/3. Người đứng đầu cơ quan y tế bang Martin Foley cho biết số ca mắc mới hàng ngày đang tăng khoảng 10% so với tuần trước.

Số ca mắc mới hàng ngày ở bang Nam Australia cũng tăng từ 2.380 ca trong ngày 15/3 lên 3.122 ca trong ngày 16/3 - mức tăng cao nhất trong gần 2 tháng. Bang Tây Australia cũng ghi nhận 6.062 ca mắc mới trong ngày 16/3, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca mới/ngày. Trước số ca mắc ngày càng gia tăng, Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) đã kêu gọi chính quyền liên bang và các bang củng cố hệ thống y tế trước làn sóng dịch tiếp theo.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thế giới đã ghi nhận trên 462,5 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới đã ghi nhận trên 462,5 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 462.599.610 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.075.889 ca tử vong. Trên 395,59 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 60,92 triệu người chưa khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN