KDCA cho biết tính theo địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 128.385 trường hợp, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày. Đây là mức lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay, vượt qua dự đoán của các cơ quan chức năng Hàn Quốc.
KDCA cho biết việc số ca nhiễm tăng cao đột biến cũng có thể do chồng chéo về cập nhật dữ liệu khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cho phép công nhận xét nghiệm nhanh tại các phòng khám địa phương được cập nhật vào kết quả chính thức của quốc gia.
Hàn Quốc đang trong cao trào của đợt sóng lây nhiễm trầm trọng nhất. Số người không qua khỏi vì COVID-19 tiếp tục tăng. Số liệu của KDCA cho thấy trong ngày 16/3, có thêm 164 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch ở nước này lên 11.052 người, tỷ lệ tử vong là 0,14%.
Các cơ sở hỏa táng ở Hàn Quốc đang trong tình trạng quá tải do số người chết tăng nhanh. Số liệu thống kê cho biết tổng số người chết từ ngày 6 - 12/3 là 1.348 người, tăng 49,6% so với mức 901 của tuần trước. So với tháng trước, khi có 187 trường hợp tử vong trong một tuần thì mức tăng lên tới 620,8%.
Trước tình hình trên, ngày 11/3, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu các cơ sở hỏa táng kéo dài thời gian làm việc, cung cấp thêm các dịch vụ trực tuyến đặt chỗ hỏa táng. Giới chức Seoul đang xem xét việc đưa vào vận hành các lò hỏa táng dự phòng và huy động các cơ sở hỏa táng ở khu vực lân cận như tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon, tỉnh Chungcheong và Gangwon hỗ trợ để giảm tải cho Seoul
Đối mặt với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc điều trị thông thường. Báo JoongAng Ilbo đưa tin nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Seoul hiện không còn các loại thuốc phổ thông để kê cho bệnh nhân như thuốc cảm, thuốc giảm ho, sirô long đờm. Số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà ở Hàn Quốc lên đến khoảng 1,61 triệu người và vì vậy, các loại thuốc điều trị cảm cúm thông thường cũng trở nên khan hiếm.
Một quan chức của Hiệp hội Dược phẩm Hàn Quốc cho biết nhu cầu sử dụng thuốc ngày càng tăng do lượng bệnh nhân mới tăng đột biến gây ra sự mất cân bằng tạm thời giữa cung và cầu. Giới chức y tế Hàn Quốc đã khuyến nghị chính phủ nhanh chóng đưa ra biện pháp đối phó kịp thời với tình trạng khan hiếm thuốc hiện nay. Người đứng đầu bộ phận chính sách dược phẩm tại KDCA Moon Eun-hee cho biết nhà chức trách đã yêu cầu các công ty dược phẩm tăng cường sản xuất kể từ tháng 2.
Trước tình hình hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công ty báo cáo tình hình sản xuất, sản lượng, số lượng nhập khẩu, sản lượng bán hàng và tồn kho thuốc hàng tuần.