Giới chức y tế Campuchia đang theo dõi hàng trăm ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày do COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm dòng phụ của biến thể Omicron. Theo các chuyên gia y tế, Campuchia có thể hoãn coi dịch COVID-19 là bệnh lưu hành vì số ca mắc COVID-19 vẫn cao sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này ngày 8/1 vừa qua, cho dù hầu hết người dân đã được tiêm phòng hai mũi cơ bản và mũi tăng cường.
Ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng bày tỏ quan ngại về "Omicron tàng hình”. Ông nói rằng trước khi xuất hiện biến thể Omicron tại Campuchia, nước này tự tin có thể xem xét COVID-19 là bệnh lưu hành. Tuy nhiên, điều này trở nên khó có hy vọng trong bối cảnh hiện tại vì biến thể Omicron lây lan nhanh và xuất hiện thêm cả dòng phụ “tàng hình”. Campuchia tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của dịch COVID-19, giám sát các ca nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt khi dòng phụ mới của Omicron đang nổi lên tại Hong Kong (Trung Quốc).
Ông Kim Cheng cũng thừa nhận các biến thể phụ BA.1.1, BA.1, BA.2, BA.3 hay thậm chí là BA.2.2 của Omicron đã xuất hiện tại Campuchia và hiện chưa có biến thể mới nào ngoài Omicron được phát hiện tại nước này. Hiện tại cuộc chiến chống COVID-19 tại Campuchia vẫn tiếp diễn và chính phủ mong muốn đạt mục tiêu đưa đại dịch thành bệnh lưu hành. Tuy nhiên, để đạt được điều này, người dân phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và tiêm vaccine mũi tăng cường.
Ngày 16/3 đánh dấu ngày thứ 40 liên tiếp số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Campuchia ở mức 3 con số (tính theo kết quả xét nghiệm PCR) và tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này đã vượt mức 14.000 ca.
* Trong khi đó, tại Indonesia, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-Covid-2 tại nước này có dấu hiệu đi xuống và chính phủ đã công bố kế hoạch chuyển coi COVID-19 là bệnh lưu hành, đưa đất nước trở về trạng thái "bình thường mới".
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết các cơ quan chức năng cùng chuyên gia y tế, dịch tễ học đang tiếp tục làm việc để hoàn thiện lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh lưu hành. Bà cho hay lộ trình này sẽ bao gồm 3 giai đoạn chính: giai đoạn giảm tốc, trong đó các trường hợp mắc mới giảm dần trong một khoảng thời gian dài; giai đoạn trước đại dịch khi mức độ lây nhiễm được kiểm soát; và cuối cùng là giai đoạn bệnh lưu hành.
Các cơ quan chức năng Indonesia đang nghiên cứu và xác định các thông số dịch tễ học đối với từng giai đoạn trên. Trong đó cần xác định thông số tiêu chuẩn về tỷ lệ dương tính, tỷ lệ phục hồi của virus (Rt), số ca nhập viện và tử vong. Đây là các chỉ số quan trọng, là cơ sở để xem xét đề ra các biện pháp phòng bệnh. Bà Siti Nadia Tarmizi nhấn mạnh để công nhận COVID-19 là bệnh lưu hành, chỉ số Rt phải giảm xuống dưới 1, tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới 1%.
Người phát ngôn cho biết thêm Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế trong dịp lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo với 86% dân số Indonesia tham gia và dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 2/4 tới nếu tình hình COVID-19 tiếp tục được cải thiện.