Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 91.937.085 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.967.595 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 65.706.810 người, 23.677.368 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 107.805 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (186.450 ca), Brazil (61.804 ca) và Anh (45.533 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.595 ca), tiếp theo là Anh (1.243 ca) và Brazil (1.073 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 388.935 ca tử vong trong tổng số 23.332.554 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 151.542 ca tử vong trong số 10.494.811 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 204.690 ca tử vong trong số 8.195.637 bệnh nhân.
Mỹ: gần 2,3 triệu trẻ em mắc COVID
CNN dẫn nguồn Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho biết, gần 2,3 triệu trẻ em nước này (tính theo độ tuổi 0-19) đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy trẻ em chiếm 12,5% tổng ca bệnh tại Mỹ, với tỉ lệ 3.055 ca/100.000 trẻ em.
Theo AAP, chỉ trong tuần trước, đã có 171.000 ca nhiễm mới được phát hiện qua xét nghiệm ở trẻ em.
Một tin tốt là dữ liệu cho thấy trẻ em ít có nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID hơn người trưởng thành. Dựa trên dữ liệu từ 24 bang và thành phố New York, trẻ em chỉ chiếm 1,2-2,8% tổng ca nhập viện được báo cáo. Và trong số 42 bang cung cấp dữ liệu về tỉ lệ tử vong do COVID, có 13 bang không ghi nhận ca tử vong nào ở trẻ em liên quan đến SARS-CoV-2. Các bang báo cáo ca tử vong thì chỉ chứng kiến tỉ lệ 0,2% tử vong ở trẻ em trong tổng ca bệnh.
Ngày 12/1, có thêm 2 nghị sĩ Mỹ dương tính với virus SARS-CoV-2, gồm Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Pramila Jayapal và Hạ nghị sĩ Dân chủ Bonnie Watson Coleman. Bà Coleman cho rằng đã mắc COVID-19 trong thời gian trú ẩn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ với các đồng nghiệp không đeo khẩu trang khi cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra tại Đồi Capitol.
Trong khi đó, Chính quyền các bang ở Mỹ đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trung bình mỗi ngày Mỹ có 3.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, tiến độ triển khai tiêm chủng khá chậm chạp. Theo số liệu chính thức, hơn 25,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã được chuyển tới các bệnh viện, cơ sở y tế và trung tâm dưỡng lão trên cả nước, nhưng hiện chỉ có khoảng 9 triệu người được tiêm chủng.
Colombia: Ngoại trưởng dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 12/1, Ngoại trưởng Colombia Claudia Blum cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà đã tự thực hiện cách ly phòng ngừa sau khi tiếp xúc với một trường hợp mắc COVID-19. Ngoại trưởng Blum khẳng định sức khỏe của bà hiện ổn định, bà sẽ tiếp tục làm việc tại nhà và tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ.
Đến nay, Colombia ghi nhận tổng cộng hơn 1,8 triệu người mắc COVID-19 kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hồi tháng 3/2020, trong đó có 46.451 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 ở Colombia hiện cao thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil.
Châu Âu: Tổng thống Bồ Đào Nha mắc COVID
Văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha thông báo Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, song đến nay chưa có triệu chứng bệnh. Theo văn phòng trên, hiện vị tổng thống 72 tuổi này đang tự cách ly tại Dinh Tổng thống ở Belem và đã hủy toàn bộ chương trình làm việc trong vài ngày tới.
Pháp: 1% xét nghiệm COVID phát hiện 'biến thể Anh'
Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, một nghiên cứu tại Pháp cho thấy biến thể virus tại Anh được phát hiện ở khoảng 1% số xét nghiệm dương tính ở nước này. Ông Véran dẫn kết quả nghiên cứu được tiến hành bởi nhà dịch tễ học Bruno Lina. Theo đó các ca nhiễm "biến thể Anh" nằm rải rác khắp đất nước và không có trường hợp tập trung tại một vùng riêng lẻ nào.
Nghiên cứu cho thấy chính phủ cần theo dõi sát sự phát triển của biến thể mới và các chùm lây nhiễm tiềm tàng.
Pháp ghi nhận ít nhất 19.753 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đến nay, nước này mới tiên chủng COVID được cho 189.834 người.
Anh: Buộc người nhập cảnh trình xét nghiệm âm tính
Chính phủ Anh thông báo bắt đầu từ 4h00 ngày 15/1 theo giờ GMT (tức 11h00 cùng ngày theo giờ Việt Nam), người từ nước ngoài nhập cảnh vùng England sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cách thời điểm khởi hành 3 ngày. Quy định mới được thông báo trong bối cảnh nhà chức trách Anh đang tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hoạt động đi lại ra và vào nước Anh hiện đang ở mức rất thấp do các biện pháp phong tỏa. Theo quy định mới, các hãng vận tải cần kiểm tra và đảm bảo hành khách có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy và sẽ có các điểm kiểm tra khi nhập cảnh. Mức phạt sẽ từ 500 bảng Anh (hơn 677 USD) đối với các hành khách và các hãng vận tải không tuân thủ quy định.
Tổng thống Ukraine kêu gọi EU giúp cung cấp vaccine
Ngày 12/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tìm nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 khi ông nỗ lực làm dịu những lời chỉ trích vì đã không đảm bảo được bất kỳ mũi tiêm vaccine nào do phương Tây sản xuất.
Tính đến ngày 12/1, Ukraine, quốc gia có 40 triệu dân với hệ thống y tế xuống cấp, đã ghi nhận hơn 1,1 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 20.019 ca hợp tử vong. Tuần trước, 13 nước thành viên EU đã thúc giục Brussels giúp các nước láng giềng phía Đông của khối tiêm chủng. Bulgaria, Croatia, Ba Lan và các quốc gia khác đã đưa ra lời kêu gọi trong một lá thư chung gửi Ủy ban châu Âu, nói rằng: "EU phải vượt ra ngoài các sáng kiến hiện nay".
Mặt khác, một số chính trị gia ở Ukraine đã vận động hành lang để đưa vaccine Sputnik V do Nga phát triển vào tiêm chủng.
Nga gia hạn dừng bay đến và đi từ Anh
Nga cũng tuyên bố gia hạn lệnh tạm dừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ Anh, sau khi giới chức nước này xác nhận có ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh. Nga thực thi biện pháp tạm dừng giao thông hàng không với Anh từ cuối tháng 12/2020. Quyết định mới gia hạn biện pháp này tới ngày 1/2/2021. Moskva cho biết quyết định trên nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể mới xâm nhập và lây lan trong nước.
Liên quan vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/1 đã kết thúc đàm phán sơ bộ với hãng dược phẩm Valneva của Pháp để mua 60 triệu liều vaccine của hãng này. Valneva là hãng dược phẩm thứ 8 mà EU đàm phán để mua vaccine ngừa COVID-19. EU cũng đã ký hợp đồng với 6 công ty nhằm đảm bảo việc có được gần 2,3 tỷ liều vaccine để tiêm cho người dân.
Châu Á: Ấn Độ ghi nhận ca mắc mới thấp nhất trong 7 tháng.
Tại châu Á, Ấn Độ thông báo ghi nhận 12.584 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua - mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 7 tháng trở lại đây. Như vậy, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 10,48 triệu ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó có 151.327 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc tại Ấn Độ đang tiếp tục giảm mạnh, đến nay chỉ còn 216.558 ca, tỷ lệ phục hồi lên tới 96,48%, trong khi tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 1,44%.
Kỷ lục ca nhiễm mới, Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp
Malaysia ghi nhận 3.309 ca nhiễm mới trong ngày 12/1, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 141.533 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Malaysia, trong đó có tới 3.303 ca là lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 559 ca.
Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Hamzah Zainudin đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19. Đây là quan chức cấp cao thứ 3 của Malaysia mắc COVID-19 trong những ngày gần đây. Trước đó, Quốc vụ khanh về các vấn đề kinh tế Malaysia Mustapa Mohamed và Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, gia đình và phát triển cộng đồng Rina Harun đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày 12/1, Quốc vương Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, khi số ca nhiễm mới tăng nhanh đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia Đông Nam Á này. Lệnh tình trạng khẩn cấp này sẽ kéo dài đến ngày 1/8 và có thể dỡ bỏ sớm nếu số ca nhiễm mới giảm. Theo Hiến pháp Malaysia, các phiên họp quốc hội và các hoạt động chính trị tại nước này đều tạm ngừng trong thời gian lệnh có hiệu lực.
Philippines mở rộng lệnh cấm đi lại
Ngày 12/1, chính phủ Philippines đã mở rộng lệnh cấm đi lại tới 5 quốc gia nữa, trong đó có Trung Quốc đại lục. Bốn nước mới bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh là Pakistan, Jamaica, Luxembourg và Oman. Theo đó công dân các nước này bị cấm nhập cảnh vào Philippines kể từ trưa ngày 12/1.
Như vậy tới nay số quốc gia bị Philippines hạn chế đi lại đã lên 33 nước.
Lệnh cấm nhập cảnh được đưa ra theo khuyến cáo của Lực lượng phản ứng nhanh liên ngành về chống bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.
Giới chức y tế Đài Loan (Trung Quốc) ngày 12/1 xác nhận 2 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đây là những ca bệnh trong cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại vùng lãnh thổ này kể từ ngày 22/12/2020 vừa qua. Tới nay, Đài Loan ghi nhận tổng cộng 839 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong và hiện 101 ca vẫn đang được điều trị.
Châu Phi - Trung Đông: Nam Phi tăng đột biến ca nhiễm mới
Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đang được áp dụng từ ngày 28/12/2020, đồng thời siết chặt hạn chế đi lại tại khu vực biên giới trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại quốc gia châu Phi này tăng đột biến thời gian gần đây do sự xuất hiện biến thể của SARS-CoV-2.
Theo quy định hiện hành, Nam Phi cấm bán rượu và tụ tập đông người, đóng cửa toàn bộ công viên và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h00. Hoạt động đi lại tại 20 cửa khẩu của Nam Phi sẽ bị hạn chế cho đến giữa tháng 2 tới, trừ hoạt động đi lại vì lý do học tập hay khám chữa bệnh và vận tải hàng hóa thiết yếu như xăng dầu. Tính đến nay, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số 3 triệu ca nhiễm toàn châu Phi.
Israel: Ca nhiễm mới cao kỷ lục
Israel cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng thấy trong ngày 12/1, với 74.639 ca. Số ca nhiễm mới tại Israel lên mức cao nhất trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 27/12/2020 và siết chặt biện pháp này vào ngày 8/1 vừa qua. Tính đến nay, Israel ghi nhận tổng cộng 504.269 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.704 ca không qua khỏi. Israel đã bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân vào ngày 20/12/2020. Đến nay, đã có 1.854.055 triệu người được tiêm vaccine, chiếm 20% dân số.
Liban phong toả toàn quốc
Chính phủ Liban cũng thông báo áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 11 ngày, đồng thời đưa ra các hạn chế đi lại mới ngằm kiềm chế số ca nhiễm mới gia tăng. Theo lệnh mới, người dân nước này bị cấm ra đường từ 5h00 sáng 14/1 đến 5h00 sáng 25/1. Tất cả người dân phải ở trong nhà, ngoại trừ một số người làm trong các lĩnh vực đặc thù như chuyên gia y tế, nhà báo, người làm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm và một số ngành thiết yếu. Toàn bộ biên giới trên bộ và trên biển đều đóng cửa, trừ các trường hợp có thị thực quá cảnh còn giá trị.
Trong khi đó, giới chức Malawi thông báo Bộ trưởng Giao thông và Các công trình công cộng Sidik Mia và Bộ trưởng Chính quyền địa phương Lingson Berekanyama của nước này đều đã tử vong do COVID-19, sau khi được xác nhận mắc bệnh vào tuần trước.