Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 187.188.328 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.040.998 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 368.581 và 5.984 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 171.108.360 người, 12.038.970 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.911 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (48.504 ca), Ấn Độ (41.475) và Anh (32.367 ca); dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.116 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 899 ca) và Nga (752 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.724.926 người, trong đó có 622.817 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.836.231 ca nhiễm, bao gồm 408.072 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.069.003 ca bệnh và 532.893 ca tử vong.
Ấn Độ đối mặt biến thể mới Kappa
Tại châu Á, Ấn Độ đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh. Bang Uttar Pradesh đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong. Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus.
Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ", khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.
Anh: Dịch bùng lại, ca nhập viện tăng 57%, ca tử vong tăng 62%
Theo Daily Mail, số ca nhập viện do COVID-19 của Anh đã tăng 57% và số ca nhiễm tăng 30% sau một tuần lên 32.367 trường hợp, khiến các bác sĩ cảnh báo chính phủ không thể cho phép bình thường hoá kể từ 19/7.
Cụ thể, số ca nhập viện tăng 57,3% trong một tuần qua - theo dữ liệu được công bố ngày 10/7, đạt 563 ca, con số nhập viện hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 3. Trong khi đó, cùng ngày, Anh ghi nhận 32.367 trường hợp nhiễm mới, tăng 32% so với con số 24.855 một tuần trước. Đây là ngày thứ tư Anh ghi nhận trên 30.000 ca nhiễm mới liên tiếp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID cũng tăng 62,7% - tăng từ 18% so với 1 tuần trước.
Các con số đáng lo ngại được đưa ra khi Giám đốc Cơ quan Y tế Anh (NHS) ngày 10/7 cảnh báo nước Anh không nên trở lại bình thường vào ngày 19/7 vì một làn sóng ca bệnh thứ ba đang khiến các bác sĩ chịu áp lực. Chủ tịch Học viện Y khoa Hoàng gia, Giáo sư Helen Jayne Stokes-Lampard nói rằng sẽ rất "nguy hiểm nếu bạn vứt bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa" vào "Ngày Tự do" chỉ trong thời gian hơn một tuần. Viện sĩ Lampard cũng kêu gọi công chúng nhận thức rằng đại dịch COVID còn xa mới kết thúc và thực hiện "cách tiếp cận có trách nhiệm" khi các hạn chế được nới lỏng.
Hàn Quốc ghi nhận cao nhiễm mới cao chưa từng có
Cũng tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca nhiễm mới - con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm theo ngày ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.200 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 9/7 đã công bố kế hoạch tăng cường các biện pháp kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận kéo dài trong 2 tuần kể từ ngày 12/7 tới. Theo quy định cảnh báo Cấp độ 4, các cuộc tụ tập riêng tư chỉ được phép dưới 4 người và kể từ 18 giờ là dưới 3 người, các trường học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Đám cưới, đám tang chỉ được họ hàng tham gia. Các cơ sở giải trí, bao gồm câu lạc bộ đêm, quán rượu và trò chơi thể thao phải đóng cửa trong khi các nhà hàng chỉ được hoạt động đến 22 giờ; các cơ sở tôn giáo chỉ được phép hoạt động trực tuyến; không cho phép khán giả đến sân cổ vũ thể thao; khuyến cáo các công ty áp dụng giờ làm luân phiên và cho 30% số nhân viên làm việc tại nhà.
Theo KDCA, các ổ lây nhiễm tập thể gần đây được phát hiện ở rất nhiều nơi như: công ty, trường học và cửa hàng bách hóa... chủ yếu tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, chủ yếu có liên quan đến biến thể Delta và đang có xu hướng lây lan rộng ra toàn quốc. KDCA nhận định rằng Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 khi số ca nhiễm mới bình quân một ngày trong tuần trước tăng 53% so với số liệu 3 tuần trước đó. Riêng thủ đô Seoul và khu vực lân cận tăng đến 68%. Trong số ca nhiễm mới của tuần trước, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta là khoảng 40%. Đã có phân tích cho thấy tỷ lệ ca nhiễm virus biến thể Delta đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một tuần.
Dịch lây lan mạnh tại bang đông dân nhất Australia
Sáng 10/7, bang đông dân nhất của Australia, New South Wales thông báo ghi nhận 50 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 24 giờ qua, trở thành ngày có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, trong số 50 ca vừa được phát hiện có 26 ca mắc có sự tiếp xúc rộng rãi khi đã nhiễm SARS-CoV-2. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian bày tỏ quan ngại rằng tình hình dịch bệnh có thể xấu đi trong thời gian tới.
Số ca nhiễm mới tại bang này gia tăng chỉ 2 tuần sau khi Sydney - thành phố lớn nhất Australia, áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Mỹ khuyến khích mở cửa lại trường học từ mùa Thu
Tại châu Mỹ, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt qua 34,7 triệu ca, với hơn 622.000 ca tử vong. Brazil có 19 triệu ca nhiễm với hơn 531.000 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đang khuyến khích các trường học mở cửa vào mùa Thu tới. Theo khuyến nghị, những học sinh và giáo viên đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần đeo khẩu trang trong phòng học, tuy nhiên, cần bố trí học sinh ngồi cách nhau 1m. Trong thời gian qua, Mỹ đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhưng vẫn còn nhiều khu vực ở nước này có tỷ lệ tiêm chủng thấp và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Các chuyên gia và giới chức y tế cảnh báo những nơi chưa được tiêm phòng rất dễ bị bùng phát dịch do biến thể Delta lây lan rất nhanh.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã giao tổng cộng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thông báo, Mỹ đang chuyển vaccine của các hãng Moderna và Johnson & Johnson cho 3 nước Indonesia, Nepal và Bhutan. Ngoài ra, 2 triệu liều vaccine của hãng Moderna do Mỹ hỗ trợ Việt Nam theo cơ chế COVAX đã đến Hà Nội sáng sớm 10/7 theo giờ Việt Nam. Đây là một phần trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các nước trên thế giới 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất. Trong danh sách các nước châu Á nhận vaccine do Mỹ hỗ trợ, ngoài 4 nước trên còn có Philippines, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea và Campuchia. Washington cũng thông báo sẽ mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech để phân phối cho Liên minh châu Phi (AU) và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Nam Phi, điểm nóng của "lục địa đen"
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận hơn 5,9 triệu ca nhiễm và hơn 150.000 ca tử vong. Trong đó, Nam Phi có số ca nhiễm cao nhất châu lục (hơn 2,1 triệu ca). Các quốc gia khác như Tunisia, Maroc, Libya và Algeria đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Bộ Y tế Tunisia cho biết nước này đã ghi nhận 8.506 ca mắc mới và 189 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số lên 481.735 ca mắc và 16.050 ca tử vong. Algeria ghi nhận thêm 831 ca mắc mới - cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, cùng với 13 ca tử vong. Như vậy nước này đã có 144.483 ca bệnh và 3.811 người tử vong. Bộ Y tế Algeria yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và không vi phạm giờ giới nghiêm.
Tại châu Âu, Pháp, Nga và Anh là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện mỗi nước đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong. Các nước khác trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Ukraine, Hà Lan và CH Séc.
Nga ngày 10/7 đã ghi nhận thêm 752 ca tử vong - mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 142.253 ca. Ngoài ra, nước này ghi nhận 25.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 5.758.300 ca.
Đức đưa tất cả các vùng của Tây Ban Nha vào "danh sách đỏ"
Đức đã đưa tất cả các vùng của Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ nước này phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong thông báo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Đức cho biết quyết định trên có hiệu lực từ ngày 11/7, áp dụng với cả các quần đảo Balearic và Canary nổi tiếng của Tây Ban Nha.
Tỷ lệ mắc COVID-19 của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần do biến thể Delta lây lan nhanh ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm phòng. Trước đó, chỉ một số vùng của Tây Ban Nha bị đưa vào "danh sách đỏ" của Đức.
Tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto khẳng định nước này là điểm đến an toàn cho khách du lịch nhờ tiến bộ đạt được trong chương trình tiêm chủng và số trường hợp nhập viện điều trị COVID-19 đang được kiểm soát. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có thông tin Đức sẽ bổ sung Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, trong khi Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune khuyến cáo công dân không nên lựa chọn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm điểm đến du lịch Hè.
Hà Lan tái áp đặt biện pháp phòng dịch
Hà Lan tái áp đặt các biện pháp phòng dịch tại các câu lạc bộ khiêu vũ, lễ hội âm nhạc từ ngày 9/7 nhằm ứng phó làn sóng dịch COVID-19 gia tăng ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi.
Trước đó, ngày 26/6, Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm và có khoảng 2/3 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tuy nhiên, với việc các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm được mở cửa trở lại, số ca mắc mới trên ca nước đã tăng gấp 2 lần lên 8.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 6/7.
Về vấn đề vaccine, ngày 10/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu phân phối đủ vaccine ngừa COVID-19 cho 70% số người trưởng thành ở khối này. Theo chương trình mua vaccine chung của khối, EU đã phân phối cho các nước thành viên 330 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, 100 triệu liều của hãng AstraZeneca, 50 triệu liều của hãng Moderna và 20 triệu liều của hãng Johnson & Johnson. Ước tính EU có 366 triệu người trưởng thành.
Trên 35.000 ca nhiễm/ngày, Indonesia đang cạn ôxy
Chỉ hai tháng trước, Indonesia đã viện trợ cho Ấn Độ hàng nghìn bình ôxy. Nhưng hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đang dần cạn kiệt ôxy khi phải chịu đựng làn sóng tàn phá của đại dịch và chính phủ đang tìm kiếm nguồn cung cấp khẩn cấp từ các quốc gia khác, bao gồm Singapore và Trung Quốc.
Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng chính phủ phụ trách ứng phó với đại dịch của Indonesia, cho biết một lô hàng gồm hơn 1.000 bình oxy, máy thở và các thiết bị y tế khác đã đến từ Singapore hôm 9/7, tiếp theo là 1.000 máy thở khác từ Australia.
Bên cạnh những lô hàng hỗ trợ đó, Indonesia có kế hoạch mua 36.000 tấn ôxy và 10.000 thiết b tạo ôxy - từ nước láng giềng Singapore. Ông Pandjaitan cho biết ông đang liên lạc với Trung Quốc và các nguồn ôxy tiềm năng khác. Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã đề nghị giúp đỡ.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương, trong đó có trên 108,5 triệu liều vaccine của Sinovac/Trung Quốc.
Malaysia lập kỷ lục ca lây nhiễm mới
Ngày 10/7, Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc mới bệnh COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lại tăng lên mức cao kỷ lục mới với 9.353 trường hợp, nâng tổng số người mắc ở nước này lên 827.191 người. Trước đó, ngày 9/7 Malaysia đã ghi nhận 9.180 ca nhiễm mới - cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này.
Bang công nghiệp Selangor tiếp tục có số ca nhiễm mới nhiều chất ở Malaysia, với 4.277 trường hợp; tiếp đến là thủ đô Kuala Lumpur với 1.398 trường hợp. Tính đến ngày 10/7, Selangor đã có 281.670 người mắc COVID-19 trong khi con số này tại Kuala Lumpur là 87.711 người.
Trong khi đó, tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày thông báo nước này có thêm 5.675 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.467.119 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 96 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 25.816 người.
Philippines có khoảng 110 triệu dân, đến nay đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 14 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020.
Thái Lan ghi nhận ca tử vong mới cao chưa từng có
Thái Lan ngày 10/7 tiếp tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục, với 91 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, bỏ xa con số 75 trường hợp được ghi nhận ngày 8/7.
Cũng trong sáng 10/7, Bộ Y tế Thái Lan thông báo có thêm 9.326 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch tới nay lên 336.158, trong đó có 2.625 người không qua khỏi.
Nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm trong vòng 2 đến 4 tuần, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12/7. Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau cũng được ban bố tại những tỉnh nói trên, bao gồm Bangkok, Nonthaburi, Pathum Thani, Nakhon Pathom, Samut Prakan, Samut Sakhon, Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala.
Myanmar sẽ nhận 2 triệu liều vaccine từ Nga
Ngày 9/7, chính quyền quân sự Myanmar cho biết Nga đã đồng ý cung cấp cho nước này 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 ngay trong tháng 7/2021, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 tăng cao chưa từng có.
Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Myawaddy do quân đội Myanmar kiểm soát, Chủ tịch Hội đồng hành chính nhà nước (SAC), kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing nói: "Tôi đã nói với họ (Nga) là tôi muốn 2 triệu (liều vaccine) và họ sẽ cung cấp".
Tháng 6/2021, ông Min Aung Hlaing nói rằng ông đang tìm cách có được 7 triệu liều vaccine của Nga. Ông cho biết Myanmar rất muốn tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19, Nga muốn hợp tác và đã cử phái đoàn đến kiểm tra nhà máy sản xuất trong tháng 7 này. Tuy nhiên, ông Min Aung Hlaing không tiết lộ thêm.
Lào: Số người nhập cảnh mắc COVID-19 cao kỷ lục
Lào - nước láng giềng với Thái Lan - ghi nhận 93 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua; trong đó có tới 91 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak.
Ban chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thái Lan khiến rất nhiều người Lào mất việc làm và phải trở về nước. Trong số những trường hợp mắc bệnh trên có nhiều người nhiễm biến thể Delta, qua đó khiến số ca nhiễm tại Lào, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới tăng đột biến.
Mặc dù toàn bộ người nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay, nhưng Lào đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 kêu gọi chính quyền các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Thái Lan tăng cường tuần tra biên giới, không để xảy ra hiện tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tiêm vaccine cho người dân theo kế hoạch; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mọi thành phần xã hội hiểu về sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.630 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Campuchia nhận thêm 4 triệu liều vaccine; Phnom Penh gia hạn hạn chế
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath cho biết sáng 10/7, nước này tiếp nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đặt mua từ Trung Quốc, trong đó có 3 triệu liều của hãng Sinovac và 1 triệu liều của Sinopharm.
Như vậy, tính đến nay, Campuchia đã nhận trên 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 90% do Trung Quốc viện trợ và thông qua hợp đồng mua bán với Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 4,79 triệu dân, tương đương gần 50% mục tiêu đặt ra là tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu dịch đến nay đã gần chạm mốc 60.000 ca (cụ thể là 59.978 ca). Ngày 10/7, Campuchia ghi nhận 933 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó 733 ca lây nhiễm cộng đồng và 200 ca nhập cảnh. Như vậy, Campuchia lại thêm một ngày ghi nhận số ca mắc mới ở mức gần 1.000 như xu hướng trong suốt 2 tuần trở lại đây. Nước này cũng ghi nhận thêm 26 ca tử vong do COVDI-19, nâng tổng số lên 881 người.