Lý do cựu Tổng thống Trump khó có 'cửa' thắng vụ kiện Facebook, Twitter

Các chuyên gia luật hiến pháp cho rằng về cơ bản, vụ kiện của cựu Tổng thống Trump có ít giá trị pháp lý và ông khó cơ hội thắng kiện những người khổng lồ công nghệ như Facebook, Twitter và Google.

Chú thích ảnh
Giới chuyên gia luật dự báo cựu Tổng thống Trump khó thắng kiện các tập đoàn công nghệ. Ảnh: Vox

Cựu Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 thông báo rằng ông đang đệ đơn kiện tập thể chống lại Facebook, Twitter, Google (sở hữu YouTube) và các CEO của họ với cáo buộc vi phạm Tu chính án thứ nhất khi cấm ông và một số người dùng khác khỏi nền tảng của họ. Ông gọi đây là “nhân tố thay đổi cuộc chơi rất quan trọng đối với đất nước chúng ta”.

Loạt vụ kiện, đang được đệ trình với sự hỗ trợ của Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, cáo buộc các công ty công nghệ kiểm duyệt người dùng theo quan điểm chính trị của họ. Nhưng cho đến nay, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các ông lớn công nghệ như Facebook, Twitter, Google kiểm duyệt một cách có hệ thống những người theo quan điểm bảo thủ.

Tờ Vox dẫn bình luận của một số chuyên gia luật hiến pháp cho rằng, về cơ bản, vụ kiện của cựu Tổng thống Trump có ít giá trị pháp lý và có khả năng sẽ không thể tiếp tục. Những vụ kiện tương tự do những người như nhà hoạt động bảo thủ Laura Loomer đệ trình - cáo buộc các công ty công nghệ có thành kiến ​​chống bảo thủ, đã bị toà bác bỏ trong những năm gần đây.

Chú thích ảnh
CEO Twitter, Jack Dorsey và CEO Facebook, Mark Zuckerberg.

Thất bại đó chủ yếu là do Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ chỉ bảo vệ mọi người khỏi sự kiểm duyệt của chính phủ, trong khi các công ty như Facebook, Twitter và Google lại là công ty tư nhân. Vì vậy, ngay cả khi các công ty này muốn chỉ cho phép các chính trị gia the quan điểm tự do sử dụng nền tảng của họ (điều mà thực tế họ không làm), thì về mặt pháp lý, họ vẫn có thể.

Thứ hai, một bộ các luật về internet được gọi là Mục 230 các quy định bảo vệ các công ty công nghệ khỏi bị kiện về quyết định kiểm duyệt nội dung của họ.

“Từ góc độ hiến pháp, vụ kiện có rất ít giá trị vì lý do đơn giản rằng Facebook và Twitter là các tập đoàn - thuộc sở hữu tư nhân, do tư nhân điều hành và hầu như không được quản lý”, bà Sarah Ludeton, Giáo sư và Giám đốc Phòng Tu chính án thứ nhất tại Trường Luật Duke viết cho Vox. "Sẽ rất khó để chứng minh rằng việc cấm Trump [khỏi các nền tảng] hành động của nhà nước’”.

Các công ty công nghệ cho phép ông Trump tham gia nền tảng của họ trong hầu hết nhiệm kỳ tổng thống của ông - ngay cả khi ông liên tục vi phạm các quy tắc của họ về việc đăng nội dung bạo lực và thông tin sai lệch. Mãi cho đến sau cuộc bạo động ở Điện Capitol ngày 6/1/2021, ba “người khổng lồ” Facebook, Twitter và Google mới đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn ông Trump với lý do ông kích động bạo lực liên quan đến vụ bạo loạn. Hồi tháng 5, Ban giám sát độc lập của Facebook đã ủng hộ quyết định này, nói rằng tuyên bố kích động của ông Trump là một rủi ro rõ ràng đối với an toàn công cộng và yêu cầu Facebook cân nhắc thêm về quyết định có cho phép ông trở lại nền tảng hay không.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump bị Facebook, Twitter "cấm cửa" với lý do kích động bạo lực trong vụ bạo loạn Toà nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Ảnh: AP

Đơn kiện mới nhất của ông Trump về cơ bản lập luận rằng: do các công ty công nghệ như Facebook quá lớn và mạnh mẽ, “địa vị của họ vượt ra ngoài tầm của một công ty tư nhân lên quy mô của một công ty nhà nước”, theo đơn kiện Facebook.

Howard Wasserman, Giáo sư luật tại Đại học Quốc tế Florida, cho rằng: “Ông Trump có thể hy vọng về một sự đảo ngược đáng kể trong luật. Nhưng không có tòa án nào chấp nhận hoặc thậm chí cho thấy đã bị thuyết phục một chút bởi những lập luận này."

Tại cuộc họp báo kéo dài gần một giờ đồng hồ công bố vụ kiện hôm 7/7, cựu Tổng thống Trump đã nhấn mạnh vào những cáo buộc chưa được chứng minh rằng các công ty công nghệ đang âm mưu chống lại những người ủng hộ ông.

“Truyền thông xã hội đã mang lại sức mạnh phi thường cho một nhóm những gã khổng lồ công nghệ lớn đang làm việc với chính phủ, các phương tiện truyền thông chính thống và một bộ phận lớn của một đảng chính trị, để bịt miệng và đàn áp quan điểm của người dân Mỹ,” ông Trump nói.

Chú thích ảnh
Thương hiệu Trump đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ bạo loạn Điện Capitol. Trong ảnh, một câu lạc bộ ở Panama gỡ bỏ biển hiệu Trump.

Mặc dù có thể đúng là những vụ kiện như thế này khó có thể thắng trước tòa, nhưng phải thừa nhận một bộ phận lớn người dân Mỹ không tin tưởng vào chính phủ, truyền thông và công nghệ. Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Pew, khoảng 3/4 người Mỹ nghĩ rằng mạng xã hội đang cố tình kiểm duyệt mọi người về quan điểm chính trị của họ.

Tuy các công ty truyền thông xã hội có quyền được bảo vệ theo hiến pháp chống lại các tuyên bố pháp lý mới nhất của ông Trump, những vụ kiện này vẫn có thể tác động tiêu cực đến nhận thức chính trị của những người dùng bảo thủ ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ.

Ông Trump vốn đã xung đột với các công ty truyền thông xã hội từ trước khi ông bị cấm tham gia. Với tư cách là tổng thống, ông từng ký một lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang giảm bớt các biện pháp bảo vệ của Mục 230, nhưng lệnh này có rất ít hiệu lực và bị Tổng thống Joe Biden thu hồi một năm sau đó.

Trong cuộc họp báo hôm 7/7, ông Trump đã ám chỉ việc ông có thực sự quay trở lại Facebook, Twitter và Google nếu họ hủy bỏ lệnh cấm hay không. "Tôi không biết. Tôi có thể không”, ông  nói. Hồi tháng 5,  cựu Tổng thống Mỹ đã khai trương một blog để công khai các tuyên bố của mình, nhưng blog này đã đóng cửa chỉ trong 1 tháng sau khi lượng độc giả được báo cáo là thấp.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Vox, CNN)
Cựu Tổng thống Trump tuyên bố kiện Facebook, Twitter và Google
Cựu Tổng thống Trump tuyên bố kiện Facebook, Twitter và Google

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Washington, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 thông báo ông sẽ đệ đơn kiện tập thể nhằm vào các công ty công nghệ truyền thông xã hội hàng đầu của Mỹ là Facebook, Twitter và Google.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN