Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 61.078 ca mắc mới COVID-19 và 1.126 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 5.458.399 trường hợp và 104.608 ca tử vong. Toàn khối có 4.702.082 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 826 ca; Philippines đứng thứ hai với 96 ca; Malaysia ghi nhận 87 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 91 ca, Campuchia ghi nhận 26 ca.
Với 35.094 ca nhiễm trong ngày 10/7, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.491.006 ca bệnh và 65.457 ca tử vong.
Philippines ghi nhận 5.675 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.467.119, bao gồm 25.816 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 9.353 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 827.191, trong đó có 6.067 ca tử vong.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 9.326 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 993 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên gần 60.000 người. Timor Leste và Brunei không có ca nhiễm mới, trong khi Lào có thêm 93 ca.
Trên 35.000 ca nhiễm/ngày, Indonesia đang cạn ôxy
Chỉ hai tháng trước, Indonesia đã viện trợ cho Ấn Độ hàng nghìn bình ôxy. Nhưng hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đang dần cạn kiệt ôxy khi phải chịu đựng làn sóng tàn phá của đại dịch và chính phủ đang tìm kiếm nguồn cung cấp khẩn cấp từ các quốc gia khác, bao gồm Singapore và Trung Quốc.
Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng chính phủ phụ trách ứng phó với đại dịch của Indonesia, cho biết một lô hàng gồm hơn 1.000 bình oxy, máy thở và các thiết bị y tế khác đã đến từ Singapore hôm 9/7, tiếp theo là 1.000 máy thở khác từ Australia.
Bên cạnh những lô hàng hỗ trợ đó, Indonesia có kế hoạch mua 36.000 tấn ôxy và 10.000 thiết b tạo ôxy - từ nước láng giềng Singapore. Ông Pandjaitan cho biết ông đang liên lạc với Trung Quốc và các nguồn ôxy tiềm năng khác. Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã đề nghị giúp đỡ.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương, trong đó có trên 108,5 triệu liều vaccine của Sinovac/Trung Quốc.
Cụ thể, số vaccine trên bao gồm 108,5 triệu liều từ hãng Sinovac, 1,5 triệu liều từ hãng Sinopharm, 8.236.800 liều vaccine AstraZeneca từ Cơ chế COVAX, 998.400 liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ, và 500.000 liều vaccine của Sinopharm do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chuyển giao.
Phát biểu họp báo trực tuyến với các phóng viên nước ngoài, Ngoại trưởng Retno cũng cho hay tính đến nay, Indonesia đã tiêm 49,6 triệu liều vaccine, đứng thứ tư ở châu Á về số lượng tiêm chủng.
Dự kiến trong những ngày tới, Indonesia sẽ tiếp nhận lô vaccine Moderna với hơn 3 triệu liều do Mỹ viện trợ, 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ. Cũng trong tháng này, Indonesia dự kiế
Malaysia lập kỷ lục ca lây nhiễm mới
Ngày 10/7, Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc mới bệnh COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lại tăng lên mức cao kỷ lục mới với 9.353 trường hợp, nâng tổng số người mắc ở nước này lên 827.191 người. Trước đó, ngày 9/7 Malaysia đã ghi nhận 9.180 ca nhiễm mới - cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này.
Bang công nghiệp Selangor tiếp tục có số ca nhiễm mới nhiều chất ở Malaysia, với 4.277 trường hợp; tiếp đến là thủ đô Kuala Lumpur với 1.398 trường hợp. Tính đến ngày 10/7, Selangor đã có 281.670 người mắc COVID-19 trong khi con số này tại Kuala Lumpur là 87.711 người.
Trong khi đó, tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày thông báo nước này có thêm 5.675 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.467.119 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 96 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 25.816 người.
Philippines có khoảng 110 triệu dân, đến nay đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 14 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020.
Thái Lan ghi nhận ca tử vong mới cao chưa từng có
Thái Lan ngày 10/7 tiếp tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục, với 91 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, bỏ xa con số 75 trường hợp được ghi nhận ngày 8/7.
Cũng trong sáng 10/7, Bộ Y tế Thái Lan thông báo có thêm 9.326 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch tới nay lên 336.158, trong đó có 2.625 người không qua khỏi.
Nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm trong vòng 2 đến 4 tuần, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12/7. Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau cũng được ban bố tại những tỉnh nói trên, bao gồm Bangkok, Nonthaburi, Pathum Thani, Nakhon Pathom, Samut Prakan, Samut Sakhon, Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul cho rằng các biện pháp mới tại 10 tỉnh sẽ tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân, nhưng cần thiết để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Ông Sanan cho biết TCC nhất trí với những biện pháp này và khu vực tư nhân sẵn sàng tuân thủ.
Chủ tịch TCC ước tính các biện pháp mới sẽ gây ra thiệt hại kinh tế từ 50–100 tỷ baht (khoảng 1,5-3 tỉ USD), tương đương khoảng 3–5 tỷ baht mỗi ngày. Do đó, ông cho rằng Chính phủ Thái Lan có thể cần phải bơm thêm tiền mặt cho nền kinh tế để bù đắp thiệt hại và điều quan trọng là phải nhanh chóng kiểm soát sự bùng phát để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Myanmar sẽ nhận 2 triệu liều vaccine từ Nga
Ngày 9/7, chính quyền quân sự Myanmar cho biết Nga đã đồng ý cung cấp cho nước này 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 ngay trong tháng 7/2021, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 tăng cao chưa từng có.
Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Myawaddy do quân đội Myanmar kiểm soát, Chủ tịch Hội đồng hành chính nhà nước (SAC), kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing nói: "Tôi đã nói với họ (Nga) là tôi muốn 2 triệu (liều vaccine) và họ sẽ cung cấp".
Tháng 6/2021, ông Min Aung Hlaing nói rằng ông đang tìm cách có được 7 triệu liều vaccine của Nga. Ông cho biết Myanmar rất muốn tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19, Nga muốn hợp tác và đã cử phái đoàn đến kiểm tra nhà máy sản xuất trong tháng 7 này. Tuy nhiên, ông Min Aung Hlaing không tiết lộ thêm.
Lào: Số người nhập cảnh mắc COVID-19 cao kỷ lục
Lào - nước láng giềng với Thái Lan - ghi nhận 93 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua; trong đó có tới 91 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak.
Ban chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thái Lan khiến rất nhiều người Lào mất việc làm và phải trở về nước. Trong số những trường hợp mắc bệnh trên có nhiều người nhiễm biến thể Delta, qua đó khiến số ca nhiễm tại Lào, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới tăng đột biến.
Mặc dù toàn bộ người nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay, nhưng Lào đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 kêu gọi chính quyền các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Thái Lan tăng cường tuần tra biên giới, không để xảy ra hiện tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tiêm vaccine cho người dân theo kế hoạch; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mọi thành phần xã hội hiểu về sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.630 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Malaysia hoàn thành mục tiêu ban đầu tiêm chủng cho 10% dân số
Đến nay đã có 3.197.890 người dân Malaysia hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương 10% dân số. Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin, kết quả trên giúp nước này đạt 1 trong 3 tiêu chí để chuyển sang giai đoạn 2 của Kế hoạch Hồi phục quốc gia. Theo ông Khairy, người đồng thời là Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng trong tháng 7 là 300.000 người/ngày. Tuy nhiên, trong 3 ngày gần đây, nước này đã tiêm tổng cộng cho 1 triệu người. Về nguyên nhân số người được tiêm chủng tương đối ít trong các tháng trước, ông Khairy giải thích rằng đó là do nguồn cung vaccine không đủ chứ không phải là khả năng tiêm chủng của Malaysia.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đã quyết định đóng cửa toàn diện từ ngày 1/6 và đưa ra Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm 4 giai đoạn. Hiện nay, Malaysia đang ở giai đoạn 1 và để chuyển sang giai đoạn 2 cần đáp ứng 3 yêu cầu: Số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.
Campuchia nhận thêm 4 triệu liều vaccine; Phnom Penh gia hạn hạn chế
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath cho biết sáng 10/7, nước này tiếp nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đặt mua từ Trung Quốc, trong đó có 3 triệu liều của hãng Sinovac và 1 triệu liều của Sinopharm.
Như vậy, tính đến nay, Campuchia đã nhận trên 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 90% do Trung Quốc viện trợ và thông qua hợp đồng mua bán với Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 4,79 triệu dân, tương đương gần 50% mục tiêu đặt ra là tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu dịch đến nay đã gần chạm mốc 60.000 ca (cụ thể là 59.978 ca). Ngày 10/7, Campuchia ghi nhận 933 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó 733 ca lây nhiễm cộng đồng và 200 ca nhập cảnh. Như vậy, Campuchia lại thêm một ngày ghi nhận số ca mắc mới ở mức gần 1.000 như xu hướng trong suốt 2 tuần trở lại đây. Nước này cũng ghi nhận thêm 26 ca tử vong do COVDI-19, nâng tổng số lên 881 người.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Phnom Penh vừa ra quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 14 ngày, từ 0h ngày 10/7 đến 23/7, đối với các hoạt động và dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, các trường học, cả trường công, trường tư và cơ sở dạy nghề tạm thời chưa hoạt động trở lại. Các quán karaoke, quán bar, vũ trường, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm thể thao và thể hình, tiếp tục đóng cửa thêm 14 ngày. Các hình thức tụ tập trên 15 người vẫn bị cấm, trừ một số trường hợp như gặp mặt trong gia đình ở cùng nhà. Các buổi lễ truyền thống hay tôn giáo, tổ chức tang lễ phải tuân thủ quy định của cơ quan thẩm quyền.