Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 431.582.560 ca, trong đó có 5.945.135 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 218.000 ca), trong khi Mỹ là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 1.100 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 360 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 65 triệu ca và trên 82.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/2, thế giới có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 71 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.419.844 ca nhiễm và 968.292 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.878.524 ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca).
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á. Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay trong khi số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức cao thứ 2 trên thế giới.
Malaysia ghi nhận thêm 31.199 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày tại nước này, đưa tổng số ca mắc lên 3.305.157. Malaysia cũng ghi nhận thêm 119 trường hợp không qua khỏi. Tính đến nay, đã có 32.488 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay - 23.557 ca, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với làn sóng lây lan của biến thể Omicron. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 38 ca. Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.794.350 ca mắc COVID-19, trong đó có 570.915 ca trong năm 2022. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 22.768 người ở Thái Lan, trong đó có 1.070 người trong năm nay.
Bộ Y tế Thái Lan đang đặt mục tiêu sớm hạ cấp COVID-19 từ đại dịch xuống thành một bệnh đặc hữu. Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiartiphum Wongrachit ngày 24/2 cho biết bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 24/2 cho biết số ca mắc mới tại nước này vượt mốc 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, nước này ghi nhận 170.016 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức 171.452 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó.
Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.499.188 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.689 trường hợp không qua khỏi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với biến thể Omicron.
Tại châu Đại Dương, Cơ quan quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) thông báo nước này đang xem xét việc triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 trước khi mùa cúm bắt đầu cùng với nguy cơ bùng phát một đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp theo. Trước đó, giới chức y tế Australia cũng đã khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Chính phủ Ba Lan ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới, ngoại trừ các quy định về cách ly và đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín.
Theo đó, kể từ ngày 1/3, tất cả các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh sẽ được bãi bỏ. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và cơ sở vui chơi giải trí không còn bị giới hạn số lượng khách được phép phục vụ. Nhân viên các cơ quan chính phủ cũng sẽ đi làm trở lại bình thường, thay vì làm từ xa như trước đây. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay Ba Lan ghi nhận hơn 5,5 triệu ca mắc COVID-19 và 110.000 ca tử vong.
Tại Slovakia, kể từ ngày 26/2, chính phủ nước này sẽ nới lỏng hạn chế đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, cho phép họ đến các nhà hàng, cửa hàng, khách sạn và cơ sở làm đẹp. Người đứng đầu Viện Y tế Slovakia Matej Misik cho biết tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang cải thiện. Hiện số bệnh nhân nặng phải điều trị thở máy là chưa đến 100 ca, bằng 25% so với giai đoạn đỉnh điểm của hai làn sóng lây nhiễm trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm, cho phép chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Italy Mario Draghi thông báo nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch COVID-19 vào cuối tháng 3 tới và từng bước hủy bỏ các quy định phòng dịch. Theo ông Draghi, các quyết định trên được đưa ra nhằm tạo điều kiện để Italy “mở cửa hoàn toàn, càng sớm càng tốt” sau hơn 2 năm chìm trong khủng hoảng y tế vì dịch COVID-19.
Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 23/2 cho biết sau 6 tuần liên tục gia tăng, số ca tử vong vì COVID-19 ở châu lục này đã giảm lần đầu tiên kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện trong khu vực.
Cụ thể, PAHO cho biết trong tuần qua châu Mỹ ghi nhận 29.000 ca tử vong, giảm 9% so với tuần trước đó, trong khi số ca mắc mới là 2,2 triệu ca, giảm 28%. Tuy nhiên, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cảnh báo nhiều nơi vẫn đang phải đối mặt với đỉnh dịch, do đó cần duy trì các biện pháp phòng ngừa trước sự lây lan nhanh chóng của Omicron và khả năng xuất hiện các biến thể mới.
Mặc dù số ca nhiễm ở Bắc Mỹ đã giảm 1/3, nhưng trong tuần qua Mexico ghi nhận số trường hợp mắc mới tăng 70%. Ca tử vong ở Mỹ giảm, nhưng theo PAHO “những số liệu này vẫn thuộc top cao nhất ghi nhận trong đại dịch”. Ở Trung Mỹ, số ca tử vong đã giảm 17%, song số ca nhiễm ở Nicaragua và số trường hợp phải nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở Honduras vẫn tiếp tục tăng. Tương tự, số ca tử vong ở Nam Mỹ giảm 13%, song một số quốc gia vẫn chưa qua đỉnh dịch, trong đó Chile ghi nhận số người cần chăm sóc đặc biệt tăng 25% và số ca tử vong tăng 37%.
Tại Mỹ, từ ngày 23/2, nhiều bang của Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các quy định về đeo khẩu trang và điều chỉnh quy định về tiêm chủng vaccine khi tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Theo dữ liệu mới cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này hiện có khoảng 78.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, thấp nhất kể từ ngày 11/11/2021. Mức tăng trung bình số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm đáng kể so với mức cao nhất trong đại dịch là hơn 800.000 ca mắc mới vào ngày 15/1. Số ca tử vong do COVID-19 cũng có dấu hiệu giảm bớt khi số ca tử vong trung bình hằng ngày giảm xuống dưới con số 1.600 ca.
Trong khi đó, hãng tin Asian News International (ANI) của Ấn Độ ngày 24/2 dẫn nhật báo Seattle Times của Mỹ cho biết biến thể Omicron gây ra nhiều ca tử vong hơn biến thể Delta tại Mỹ.
Cụ thể, kể từ ngày 24/11/2021, khi Nam Phi lần đầu tiên thông báo về biến thể Omicron với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ ghi nhận hơn 30.163.600 ca mắc mới với hơn 154.750 ca tử vong.
Trong khi đó, từ ngày 1/8 đến 31/10/2021, khoảng thời gian diễn ra giai đoạn tồi tệ nhất với sự gia tăng biến thể Delta tại Mỹ, nước này ghi nhận 10.917.590 ca mắc mới với 132.616 ca tử vong mới.
Nguồn trên cho biết số ca tử vong trong làn sóng biến thể Omicron cao hơn số ca tử vong trong thời gian cùng độ dài của làn sóng biến thể Delta khoảng 17%. Theo nhận định của The Seattle Times, số ca tử vong cao cho thấy điểm yếu vẫn tồn tại ở Mỹ.
Bộ Y tế Canada ngày 24/2 đã cấp phép sử dụng đối với Covifenz - một loại vaccine phòng COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Medicago sản xuất tại Canada.
Loại vaccine hai liều này có nguồn gốc từ thực vật, được phép sử dụng cho những người từ 18 đến 64 tuổi. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Covifenz đạt hiệu quả 71% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 một tuần sau liều tiêm thứ hai. Hai mũi tiêm phải cách nhau 21 ngày.
Medicago -công ty có trụ sở tại Quebec- đã cùng với tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline gửi dữ liệu Giai đoạn 3 cho Bộ Y tế Canada vào tháng 12/2021. Vaccine của Medicago sử dụng công nghệ không liên quan đến các sản phẩm động vật hoặc virus sống như các phương pháp truyền thống. Nó sử dụng công nghệ tái tổ hợp, với thực vật sống là vật chủ. Quy trình do Medicago phát triển sử dụng loài thực vật nicotiana benthamiana, một họ hàng gần của cây thuốc lá được sử dụng để phát triển dược phẩm.
Covifenz là loại vaccine thứ sáu được phê duyệt ở Canada, sau khi Bộ Y tế Canada phê duyệt vaccine Novavax vào tuần trước. Vaccine Covifenz cũng chứa tá dược của nhà sản xuất GlaxoSmithKline để giúp tăng cường phản ứng miễn dịch.