Thế giới đã ghi nhận trên 430,8 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/2, thế giới ghi nhận tổng cộng 430.804.875 ca COVID-19, trong đó có 5.939.922 ca tử vong. Trên 359,4 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 65,4 triệu người đang điều trị.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á, theo đó, Malaysia, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay trong khi số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức cao thứ 2 trên thế giới.

Malaysia ghi nhận thêm 31.199 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày tại nước này, đưa tổng số ca mắc lên 3.305.157. Malaysia cũng ghi nhận thêm 119 trường hợp không qua khỏi. Tính đến nay, đã có 32.488 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay - 23.557 ca, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với làn sóng lây lan của biến thể Omicron. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 38 ca. Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.794.350 ca mắc COVID-19, trong đó có 570.915 ca trong năm 2022. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 22.768 người ở Thái Lan, trong đó có 1.070 người trong năm nay.

Bộ Y tế Thái Lan đang đặt mục tiêu sớm hạ cấp COVID-19 từ đại dịch xuống thành một bệnh đặc hữu. Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiartiphum Wongrachit ngày 24/2 cho biết bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 24/2 cho biết số ca mắc mới tại nước này vượt mốc 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, nước này ghi nhận 170.016 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức 171.452 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.499.188 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.689 trường hợp không qua khỏi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với biến thể Omicron.

Tại châu Đại Dương, Cơ quan quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) thông báo nước này đang xem xét việc triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 trước khi mùa cúm bắt đầu cùng với nguy cơ bùng phát một đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp theo. Trước đó, giới chức y tế Australia cũng đã khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4.

Chú thích ảnh
Người dân tại quảng trường Piazza del Popolo ở Rome, Italy, ngày 11/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, các nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Chính phủ Ba Lan ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới, ngoại trừ các quy định về cách ly và đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín. Theo đó, kể từ ngày 1/3, tất cả các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh sẽ được bãi bỏ. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và cơ sở vui chơi giải trí không còn bị giới hạn số lượng khách được phép phục vụ. Nhân viên các cơ quan chính phủ cũng sẽ đi làm trở lại bình thường, thay vì làm từ xa như trước đây. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay Ba Lan ghi nhận hơn 5,5 triệu ca mắc COVID-19 và 110.000 ca tử vong. 

Tại Slovakia, kể từ ngày 26/2, chính phủ nước này sẽ nới lỏng hạn chế đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, cho phép họ đến các nhà hàng, cửa hàng, khách sạn và cơ sở làm đẹp. Người đứng đầu Viện Y tế Slovakia Matej Misik cho biết tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang cải thiện. Hiện số bệnh nhân nặng phải điều trị thở máy là chưa đến 100 ca, bằng 25% so với giai đoạn đỉnh điểm của hai làn sóng lây nhiễm trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm, cho phép chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế. 

Thủ tướng Italy Mario Draghi thông báo nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch COVID-19 vào cuối tháng 3 tới và từng bước hủy bỏ các quy định phòng dịch. Theo ông Draghi, các quyết định trên được đưa ra nhằm tạo điều kiện để Italy “mở cửa hoàn toàn, càng sớm càng tốt” sau hơn 2 năm chìm trong khủng hoảng y tế vì dịch COVID-19.

Tại châu Mỹ, từ ngày 23/2, nhiều bang của Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các quy định về đeo khẩu trang và điều chỉnh quy định về tiêm chủng vaccine khi tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Theo dữ liệu mới cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này hiện có khoảng 78.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, thấp nhất kể từ ngày 11/11/2021. Mức tăng trung bình số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm đáng kể so với mức cao nhất trong đại dịch là hơn 800.000 ca mắc mới vào ngày 15/1. Số ca tử vong do COVID-19 cũng có dấu hiệu giảm bớt khi số ca tử vong trung bình hằng ngày giảm xuống dưới con số 1.600 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, hãng tin Asian News International (ANI) của Ấn Độ ngày 24/2 dẫn nhật báo Seattle Times của Mỹ cho biết biến thể Omicron gây ra nhiều ca tử vong hơn biến thể Delta tại Mỹ. Cụ thể, kể từ ngày 24/11/2021, khi Nam Phi lần đầu tiên thông báo về biến thể Omicron với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ ghi nhận hơn 30.163.600 ca mắc mới với hơn 154.750 ca tử vong. Trong khi đó, từ ngày 1/8 đến 31/10/2021, khoảng thời gian diễn ra giai đoạn tồi tệ nhất với sự gia tăng biến thể Delta tại Mỹ, nước này ghi nhận 10.917.590 ca mắc mới với 132.616 ca tử vong mới.

Nguồn trên cho biết số ca tử vong trong làn sóng biến thể Omicron cao hơn số ca tử vong trong thời gian cùng độ dài của làn sóng biến thể Delta khoảng 17%. Theo nhận định của The Seattle Times, số ca tử vong cao cho thấy điểm yếu vẫn tồn tại ở Mỹ.

Phương Oanh (TTXVN)
Ba Lan dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 3
Ba Lan dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 3

Chính phủ Ba Lan ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới, ngoại trừ các quy định về cách ly và đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN