COVID-19 tới 6 giờ ngày 19/8: Mỹ trên 150.000 ca dương tính mỗi ngày; WHO khuyến cáo không cần tiêm mũi vaccine thứ 3

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 679.221 trường hợp mắc COVID-19 và 10.210 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 210 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,4 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Người dân chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 210.043.245 ca, trong đó có 4.403.920 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với trên 150.000 trường hợp trong 24 giờ qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên an ninh kiểm tra giấy tờ của người lưu thông nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 188.174.937 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.464.388 ca và 103.316 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 18/8, thế giới có 154 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới khi ghi nhận trên 38 triệu ca mắc và 641.309 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 32.239.249 ca mắc, trong đó có 431.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 571.662 ca tử vong trong tổng số trên 20 triệu ca mắc. Sau một thời gian hạ nhiệt, ngày 18/8, Mỹ lại quay lại vị trí tâm dịch thế giới với trên 150.000 ca dương tính, trong đó các ca nhiễm chủng Delta chiếm gần như 100% số ca mới.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 61 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 977.600 ca tử vong trong hơn 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 964.300 ca tử vong trong hơn 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.800 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7/7/2021. ẢNh: AFP/TTXVN

Ấn Độ ghi nhận 35.178 ca nhiễm mới và 440 ca tử vong trong 24 giờ qua. Dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này đã tiêm 8,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 16/8, đạt mức kỷ lục và đang tăng tốc tới mục tiêu đến tháng 12 tiêm cho mọi công dân trưởng thành. Ấn Độ hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới với 554 triệu liều đã được phân phối. Như vậy khoảng 46% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm tối thiểu một liều vaccine. Nhưng chỉ có khoảng 13% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Tính đến cuối ngày 18/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 23.917 ca mới - con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 1.207.309 ca, bao gồm 712 ca trên tàu du lịch Dianmond Princess. Đáng chú ý, riêng trong ngày 18/8, đã có 24/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản ghi nhận số ca mới trong ngày cao kỷ lục. Số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mạnh với 1.716 ca, tăng 70 ca so với trước đó một ngày. Thủ đô Tokyo ghi nhận 5.386 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận ngày 13/8 vừa qua.

Chú thích ảnh
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa trang ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tại New Zealand, một ngày sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern ban bố lệnh phong toả trên quy mô toàn quốc vì dịch COVID-19, nước này đã ghi nhận thêm 6 ca dương tính mới. Bà Ardern xác nhận New Zealand đang phải đối phó với biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh liên quan đến làn sóng dịch bệnh ở Australia.

Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong trong ngày 18/8, tức là cứ 1 giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh. Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong tháng qua và hiện nay ở mức trung bình 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Lần gần nhất Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 1.000 ca/ngày là vào tháng 3.

Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đến giữa tháng 1/2022. Từ ngày 17/8, người dân thành phố New York bắt đầu phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi vào các nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim.

Chính sách này có hiệu lực tới ngày 13/9. Những người vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 1.000 USD. Trẻ em dưới 12 tuổi được miễn trừ do không thuộc đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 9.764 ca mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày trong 15 ngày, nâng tổng số lên 536.609 ca. Cuba cũng có thêm 68 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi lên mức 4.156 ca. Tỉnh Cienfuego đang là điểm nóng về dịch bệnh tại nước này khi ghi nhận 2.282 ca mới. Tỷ lệ lây nhiễm tại đây là 4.7 ca trên 100.000 dân, cao nhất nước.

Ngày 18/8, giới chức y tế Bỉ khuyến cao đã có ít nhất 3 vận động viên đua xe đạp trẻ tuổi đã phải nhập viện với các vấn đề về tim sau một cuộc đua hoặc tập luyện trong những tuần gần đây, và tất cả các trường hợp này đều vừa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Khuyến cáo của các bác sĩ và chuyên gia tim mạch Bỉ ngày 18/8 cho rằng những người được tiêm vaccine phòng COVID-19 không nên thực hiện các hoạt động thể chất quá sức ít nhất một tuần sau mỗi lần tiêm.

Ba vận động viên từ 15 tới 17 tuổi của đội đua xe đạp Acrog-Tormans Balen BC đã gặp các vấn đề về tim sau khi tiêm vaccine. Một trong số họ bị đau ngực trong khi thi đấu, chỉ 2 ngày sau khi tiêm mũi đầu với vaccine của Pfizer. Các bệnh nhân này sau đó phải nhập viện và được xác định là viêm cơ tim.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại nhà xác bệnh viện Thammasat ở tỉnh Pathum Thani, ngoại ô Bangkok, Thái Lan ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan công tác nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 18/8 thông báo vaccine liều đơn Sputnik Light, do Viện Gamaleya của nước này phát triển, đạt hiệu quả bảo vệ tới 93,5% trong các cuộc thử nghiệm ở Paraguay.

Trích dẫn dữ liệu được Bộ Y tế Paraguay thu thập tới ngày 30/7, RDIF khẳng định vaccine đã cho thấy hiệu quả đối với hơn 320.000 người.

Việc sử dụng vaccine liều đơn Sputnik Light cho phép Paraguay rút ngắn thời gian tiêm chủng và tăng tốc độ hình thành miễn dịch cộng đồng. Khi lần đầu tiên được phê duyệt sử dụng hồi tháng 5, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả bảo vệ 79,4%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại nhà xác bệnh viện Thammasat ở tỉnh Pathum Thani, ngoại ô Bangkok, Thái Lan ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 82.400 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 195.700 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines, Singapore, Timor Leste và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Song số ca mắc mới tại nước này bắt đầu xu thế giảm dần so với mấy ngày trước đây.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca mắc mới giảm, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 161 ca tử vong.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Trong 24 giờ qua, Malaysia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.

Ngày 18/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 225 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục ở mức cao, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar ngày 18/8 có tới 2.878 ca bệnh mới và 163 ca tử vong.
 
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/8 ghi nhận thêm trên 20.515 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 312 người.

Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc trên 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 593 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Tuy nhiên, Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Singapore ngày 18/8 cũng ghi nhận 53 ca COVID-19 mới và 1 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 195.735 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.302 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 8.963.991 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 7.597.632 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 11/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 18/8, những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COIVD-19 là cần thiết. Tuyên bố trên được trưởng khoa học gia Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Phát biểu trong cùng cuộc họp báo, cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”.

Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết ngày 18/8: Toàn khối trên 195.000 ca tử vong; Malaysia ca mắc mới nhiều chưa từng thấy
COVID-19 tại ASEAN hết ngày 18/8: Toàn khối trên 195.000 ca tử vong; Malaysia ca mắc mới nhiều chưa từng thấy

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 82.400 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 195.700 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN