Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines có trên 100 ca tử vong/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận 612 ca bệnh mới và chỉ có 34 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 2/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 128 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với trên 5.000 trường hợp, trong khi có 70 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.074 ca bệnh và 14 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 2/11 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 78 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 89 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 287.405 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 289 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Lào lên kế hoạch mở cửa đất nước
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, Chính phủ Lào đã lên kế hoạch mở cửa trở lại đất nước, đồng thời kêu gọi người dân thích ứng với tình hình mới.
Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan nêu rõ Chính phủ Lào đang nghiên cứu và xây dựng kế hoạch chiến lược để ứng phó với COVID-19 và hướng đến mở cửa đất nước trở lại trong điều kiện bảo vệ tối đa sức khỏe và an toàn của người dân. Ông nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh tế và khủng hoảng do COVID-19 gây ra bằng cách giúp người dân thích nghi với trạng thái bình thường mới trong điều kiện COVID-19. Hiện các cơ quan ban ngành đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để đạt được độ bao phủ vaccine 50% dân số vào cuối năm nay.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, ngày 2/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 873 ca mắc mới COVID-19 và 3 trường hợp tử vong. Theo bộ trên, số ca mắc mới tiếp tục tăng cao, trong đó có tới 871 ca cộng đồng ghi nhận tại 14 tỉnh, thành.
Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi ghi nhận số ca cộng đồng gia tăng với 427 trường hợp trong một ngày. Đáng chú ý, tỉnh Luang Namtha có số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt với 172 trường hợp trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 41.829 ca, trong đó có 70 người tử vong.
Indonesia rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc
Chính phủ Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 5 ngày xuống còn 3 ngày trong bối cảnh tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại quốc gia này tiếp tục cải thiện tích cực.
Thư ký Bộ điều phối Các vấn đề kinh tế Susiwijono Moegiarso cho biết chính sách nói trên được áp dụng đối với những người hội đủ điều kiện gồm tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành và trong quá trình cách ly.
Trong khi đó, du khách nội địa có thể sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên có giá trị trong vòng 24 giờ nếu đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine, hoặc kết quả xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 72 giờ nếu mới được tiêm chủng một mũi vaccine.
Nhìn chung, dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt trên toàn quốc và số lượng bệnh nhân tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ông Susiwijono cũng kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác trong bối cảnh số ca mắc mới có xu hướng gia tăng tại 131 huyện và thành phố trong những ngày gần đây.
Từ ngày 11/10, Indonesia đã cắt giảm thời gian cách ly nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 8 ngày xuống còn 5 ngày và chính thức mở cửa biên giới cho du khách từ 19 quốc gia có tỷ lệ dương tính dưới 5% đến hai hòn đảo du lịch nghỉ dưỡng Bali và Batam từ ngày 14/10.
Myanmar tiếp tục hạn chế nhập cảnh đến cuối tháng 11
Bộ Ngoại giao Myanmar đã gia hạn các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với du khách cho đến cuối tháng 11. Theo đó, đình chỉ nhập cảnh đối với tất cả các du khách cũng như đình chỉ cấp tất cả các loại thị thực và các dịch vụ miễn thị thực cho đến ngày 30/11.
Bộ Y tế Myanmar cho biết nước này ngày 1/11 ghi nhận 877 ca mắc mới COVID-19 và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này đến nay lên 500.950 ca và 18.714 ca tử vong, trong khi 469.218 bệnh nhân đã phục hồi.
Myanmar phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/3/2020.