Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines có trên 100 ca tử vong/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 1/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 104 trường hợp, cao nhất khu vực. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng giảm nhẹ, với trên 4.000 trường hợp, trong khi có 63 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 877 ca bệnh và 17 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức lo ngại.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 1/11 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 55 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 91 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước từ ngày 1/11.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 287.028 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 306 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Indonesia cấp phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp giấy phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/11, người đứng đầu BPOM Penny Lukito thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinovac cho thấy vaccine này an toàn đối với trẻ em từ 6-11 tuổi. Bà Penny cho biết việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là một vấn đề cấp bách, vì các trường học đang bắt đầu triển khai từng bước học trực tiếp.
Theo báo cáo thử nghiệm lâm sàng, các kết quả tương tự cũng thu được đối với tác dụng phụ của vaccine của Sinovac ở trẻ em từ 6-11 tuổi cũng như trẻ em từ 11-17 tuổi, chiếm khoảng 11%-17% tổng số đối tượng thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em từ 11-17 tuổi và tuyên bố là an toàn để sử dụng.
Báo cáo thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy khả năng sinh miễn dịch hay khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch của vaccine ở trẻ em cao hơn người lớn. Theo đó, tỷ lệ này ở trẻ em là 96,15% so với 89,04% ở người lớn. Bà Penny cũng lưu ý vaccine của Sinovac là vaccine đầu tiên được đăng ký với BPOM để sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi 6-11. Cơ quan này đang chờ đợi trong tương lai gần sẽ có thêm các loại vaccine sớm được đăng ký với BPOM để sử dụng cho trẻ em độ tuổi này.
Campuchia mở cửa trở lại hoàn toàn
Ngày 1/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo nước này chính thức mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực.
Phát biểu trong khuôn khổ lễ khai mạc chiến dịch tiêm phòng cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống tại Cung Hòa Bình, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: "Từ hôm nay trở đi, các cửa hàng và đường phố dự kiến sẽ đông đúc trở lại". Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Campuchia trong cuộc chiến chống COVID-19 qua 4 giai đoạn để có thể mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 1/11. Tuy nhiên, ông Hun Sen cho rằng cần phải tiếp tục xem xét về việc mở các hoạt động kinh doanh có rủi ro lây nhiễm cao như karaoke, quán bar và câu lạc bộ đêm hay không.
Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 91 ca, dưới mức 100 ca/ngày, kéo dài chuỗi những ngày “bình thường mới” với số ca nhiễm bệnh ở mức thấp. Theo kế hoạch, Campuchia sẽ tiếp nhận thêm 1 triệu liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) trong tháng này và đang trong giai đoạn thứ ba nhằm tạo miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm phòng. Tính đến nay, Campuchia đã tiếp nhận gần 39 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Gần 75% dân số Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết đến hết ngày 31/10, 74,9% dân số Malaysia, tương đương 24.453.198 người, đã tiêm chủng đầy đủ. Bộ trên nêu rõ tính đến hết ngày 31/10, có 22.872.309 người, tương đương 97,7% dân số Malaysia từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 22.361.734 người (95,5% dân số) đã hoàn thành tiêm chủng.
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, bắt đầu được chủng ngừa COVID-19 từ ngày 8/9 năm nay, hiện đã có 2.612.742 người được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 2.091.464 người (chiếm 66,4% dân số) đã hoàn thành tiêm chủng.
Đối với mũi tăng cường, với thêm 16.244 người được tiêm trong ngày 31/10, tổng số người đã hoàn thành mũi tiêm này hiện lên đến 307.653 người. Theo kế hoạch, vào ngày 2/11 này, Malaysia sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nghị sĩ.
Hàng trăm du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ dự kiến đến Bangkok ngày 1/11. Đây là đợt du khách đầu tiên đến Thái Lan trong 18 tháng qua và không phải thực hiện quy định cách ly để phòng dịch COVID-19.
Nhằm tìm cách vực dậy nền kinh tế vốn dựa vào du lịch, Chính phủ Thái Lan đã "bật đèn xanh" cho các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 từ hơn 60 quốc gia. Trong danh sách này có một số nước châu Âu. Nhà chức trách Thái Lan hy vọng nguồn thu từ những du khách ở Bắc Bán cầu muốn trốn cái rét mùa Đông ở quê nhà.
Trước đó, Thái Lan đã phải đóng cửa 18 tháng để phòng chống đại dịch. Trước khi dịch bùng phát, lĩnh vực du lịch của nước này đóng góp 12% GDP và thủ đô Bangkok là thành phố đón nhiều du khách nhất thế giới. Dịch bệnh đã khiến Thái Lan mất 3 triệu việc làm liên quan đến ngành du lịch và giảm thu nhập khoảng 50 tỷ USD/năm.
Thái Lan đã thử nghiệm mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket từ tháng 7 vừa qua, cho phép du khách đã tiêm đủ vaccine không cần cách ly 14 ngày khi đến đảo. Tuy nhiên, chương trình thử nghiệm không hút khách như dự kiến. Lượt người đến đảo trong tháng 7 chỉ bằng 1% mức trước khi bùng phát dịch.