COVID-19 tại ASEAN hết 30/10: Philippines ca tử vong tăng kỷ lục; Lào ca mắc mới vọt gấp đôi

Trong ngày 30/10, các nước ASEAN ghi nhận trên 30.000 ca nhiễm mới, 741 ca tử vong. Ca tử vong mới tại Philippines bất ngờ tăng lên mức cao kỷ lục từ khi dịch bắt đầu, trong khi ca nhiễm mới tại Lào tăng gấp hơn hai lần so với mức một ngày trước.

Chú thích ảnh
 Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30.328 ca mắc mới COVID-19 và 741 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.192.707 trường hợp và 278.562 ca tử vong. Toàn khối có 12.521.490 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tổng số ca mắc mới đã lùi về quanh ngưỡng 30.000 ca/ngày; ca tử vong mới cũng giảm mạnh ở những quốc gia từng là điểm nóng như Indonesia, Malaysia, Việt Nam. 

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 9 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines báo cáo 423 ca; Malaysia ghi nhận 95 ca; Thái Lan thêm 88 ca; Việt Nam 64 ca; Indonesia ghi nhận 27 ca tử vong mới; Singapore thêm 14 ca; Campuchia 8 ca, Lào và Brunei mỗi nước thêm 1 ca. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Sittwe, bang Rakhine, Myanmar, ngày 1/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình tại Thái Lan đang có xu hướng "tăng nhiệt" trở lại, với 9.224 ca nhiễm mới, cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nước này dự kiến sẽ chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31/10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11.

Diễn biến dịch đang có xu hướng giảm tại Malaysia. Ngày 30/10 nước này ghi nhận 6.345 ca nhiễm mới. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Diễn biến dịch tại Campuchia tiếp tục đi xuống, chỉ với 106 ca nhiễm,  8 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, nhà chức trách Campuchia đang hướng tới việc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Campuchia đã chứng kiến ​​một số bước tiến lớn trên hành trình mở cửa trở lại trong vài ngày qua - bao gồm việc công bố 'kế hoạch hộp cát' cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ đến Sihanoukville, đảo Koh Rong và Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor; việc mở lại chương trình Thị thực điện tử cho khách du lịch và nhà đầu tư; nới lỏng thời gian cách ly đối với du khách; dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ Malaysia, Indonesia và Philippines và một hệ thống mã QR mới để kiểm tra trạng thái tiêm chủng trạng thái. Tất cả đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Hoàng gia trong việc đưa vương quốc mở cửa hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất có thể một cách an toàn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines: Ca tử vong bất ngờ vọt tăng kỷ lục

Ngày 30/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng cao nhất từ trước đến nay. 

Theo Bộ Y tế Philippines, nước này có thêm 423 ca tử vong do COVID-19, vượt kỷ lục 401 ca ghi nhận ngày 9/4, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 43.044 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 4.008 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 2.783.896 ca. Philippines hiện là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. 

Cho đến nay, Philippines đã tiêm chủng đầy đủ cho 26,8 triệu người trong tổng số 110 triệu dân ở nước này. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Lào: Ca mắc mới lại tăng mạnh, gấp đôi ngày trước

Bộ Y tế Lào ngày 30/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 858 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Theo bộ trên, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng mạnh trong 24 giờ qua, trong đó có tới 856 ca cộng đồng ghi nhận tại 15/18 tỉnh, thành; còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, chỉ sau một ngày có chiều hướng giảm (trên 400 ca) thì ngày 30/10, nước này lại có số ca mắc mới tăng cao trở lại. 

Đáng chú ý, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn cũng gia tăng với 361 ca trong một ngày. Ngoài ra, tỉnh Luang Namtha cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến với 155 ca. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn rất phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 39.586 ca, trong đó có 62 ca tử vong.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao Ủy ban chuyên trách các cấp chỉ đạo thành phần có liên quan khẩn trương lập kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng, đồng thời giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị để ứng phó khi số người nhiễm tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore . Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng ngày 29/10 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp  vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp 4 loại vaccine khác cũng do Nga sản xuất là CoviVac của Trung tâm Chumakov, Sputnik-Light của Viện Gamaleya, EpiVacCorona của Viện Nghiên cứu khoa học về sinh học phân tử (hay còn gọi là vaccine IMB SRC Vector) và EpiVacCorona của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về virus và công nghệ sinh học.

Tháng 2/2021, Campuchia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp các vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc), và vaccine của hãng AstraZeneca do Đại học Oxford của Anh phát triển.

Chú thích ảnh
Sống chung an toàn với COVID-19: Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga

Tính đến ngày 29/10, 85,64% dân số Campuchia đã được tiêm phòng ngừa COVID-19.
Ngày 30/10, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục ở mức thấp với 106 ca, trong đó có 16 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo có thêm 8 ca tử vong, trong đó có 5 ca chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong bối cảnh Campuchia bước vào giai đoạn “bình thường mới” từ gần một tháng nay, Chính phủ nước này tiếp tục triển khai các biện pháp thêm ba tháng, từ tháng 10 đến tháng 12, nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra và hỗ trợ kinh doanh phục hồi.

Theo thông báo chính thức ngày 28/10, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lương cho lao động trong các lĩnh vực chịu thiệt hại do dịch COVID-19, giảm thuế cho các khách sạn, nhà khách, các hãng lữ hành ở Phnom Penh, Siem Reap, Preah Sihanouk, Kep, Kampot và ở các thành phố nhỏ Bavet, Poipet.

Malaysia dự chi ngân sách kỷ lục thúc đẩy phục hồi sau đại dịch

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, chính phủ Malaysia đã đưa ra mức chi ngân sách kỷ lục trong năm 2022, tập trung vào ba trụ cột tăng cường phục hồi, xây dựng khả năng phục hồi và kích thích tăng trưởng.

Trong phiên họp Hạ viện ngày 29/10, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz đã trình bày dự thảo ngân sách cho năm 2022 với tổng số tiền dự chi kỷ lục lên tới 332,1 tỷ RM (gần 80,2 tỷ USD), tương đương 20,3% GDP và tăng gần 3% so với mức 322,54 tỷ RM (77,8 tỷ USD) đã chi tiêu trong năm 2021. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Bộ trưởng Zafrul Aziz, với triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa hơn, được dự báo ở mức từ 5,5-6,5% trong năm 2022, nguồn thu ngân sách của Malaysia sẽ đạt 234 tỷ RM (80,64 tỷ USD) trong năm tới, đủ đảm bảo cho mức dự chi trên. Ông cho biết, trong phân bổ ngân sách, chi tiêu hoạt động chiếm hơn 70% tổng dự chi với số tiền lên tới 233,5 tỷ RM, trong khi 75,6 tỷ RM (22,8%) cho chi phát triển và 23 tỷ RM còn lại chi cho Quỹ COVID-19 cùng với khoản chi dự phòng 2 tỷ RM.

Bộ Giáo dục tiếp tục nhận được khoản phân bổ ngân sách lớn nhất với 52,6 tỷ RM (12,7 tỷ USD), tương đương 16% tổng dự chi, tiếp đến Bộ Y tế nhận được 32,4 tỷ RM (7,82 tỷ USD, tương đương 9,2%) để chi cho hoạt động và phát triển. Dự luật Ngân sách sẽ được thảo luận tại Hạ viện Malaysia và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ hai trong năm 2021.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 31/10: Thêm 5.670 người chết; Ca nhiễm mới tại Nga lại lập kỷ lục
COVID-19 tới 6h sáng 31/10: Thêm 5.670 người chết; Ca nhiễm mới tại Nga lại lập kỷ lục

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 370.000 ca nhiễm và 5.670 ca tử vong. Ca nhiễm mới lại lập kỷ lục ở Nga, trong khi ca tử vong ở nước này và Ukraine dẫn đầu thế giới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN