COVID-19 tại ASEAN hết ngày 20/8: Toàn khối trên 200.000 người tử vong; Lào và Philippines ca mắc mới cao kỷ lục

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 92.300 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 201.000 người.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một khu chợ ở Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Singapore, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca mắc mới giảm, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Nhưng trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong tăng mạnh, với 317 trường hợp.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia.

Ngày 20/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 233 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ năm trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình dịch COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/8 ghi nhận thêm trên 19.815 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 240 người, giảm đôi chút so với ngày trước đó.

Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc quanh 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này chỉ có 519 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore ngày 20/8 cũng ghi nhận 40 ca COVID-19 mới và 1 ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 201.029 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.546 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 9.137.945 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 7.764.149 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á này 20/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 3,950,304 +20,004 123,981 +1,348 3,499,037
Philippines 1,807,800 +17,231 31,198 +317 1,653,351
Malaysia 1,513,024 +23,564 13,713 +233 1,241,894
Thái Lan 1,009,710 +19,851 8,826 +240 795,805
Myanmar 365,759   13,945   286,775
Việt Nam 323,268 +10,657 7,540 +390 132,815
Campuchia 88,242 +519 1,762 +15 83,851
Singapore 66,406 +40 47 +1 65,402
Lào 11,753 +440 11 +2 4,604
Brunei 1,136   3   343
Chú thích ảnh
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào và Philippines ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay

Tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 20/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 440 ca mắc COVID-19 mới và 2 trường hợp tử vong. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào.

Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca mắc mới có tới 365 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 75 ca cộng đồng. Savanankhet tiếp tục là tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 135 ca, trong đó có tới 58 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào đang có xu hướng tăng trở lại.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra; kiểm soát chặt hoạt động người xuất nhập cảnh. Đồng thời, Lào đang xem xét hợp tác với Trung Quốc trong việc nghiên cứu triển khai sản xuất thí điểm vaccine ngừa COVID-19 tại Lào, hướng tới sản xuất đại trà để cung cấp cho người dân cũng như xuất khẩu.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho biết các trường học trên cả nước bao gồm cả thủ đô Viêng Chăn sẽ khai giảng vào ngày 1/9 tới. Theo đó, Bộ yêu cầu các lãnh đạo cơ sở giáo dục chỉ đạo việc tiêm chủng đầy đủ cho cán bộ, viên chức trước khi bắt đầu năm học mới. Bên cạnh đó, lớp học được yêu cầu bố trí đảm bảo giữ giãn cách, đeo khẩu trang thường xuyên và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, Bộ cũng kêu gọi các bậc phụ huynh cho con em đến trường trở lại và tin tưởng vào công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 11.753 ca, trong đó có 11 người tử vong.

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 20/8 cũng thông báo đã ghi nhận 17.231 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là mức cao kỷ lục trong một ngày tại Philippines. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 1,8 triệu ca, trong đó có
31.198 trường hợp tử vong và riêng trong một ngày qua, quốc gia Đông Nam Á này có 317 ca không qua khỏi.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan từ đầu dịch tới nay đã vượt ngưỡng 1 triệu sau khi Bộ Y tế nước này sáng 20/8 thông báo có thêm 19.851 ca mắc mới cùng 240 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Như vậy, kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên đầu năm ngoái, Thái Lan đã có tổng cộng 1.009.710 ca nhiễm, trong đó có 8.826 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong được ghi nhận trong thời gian bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng tư, với 980.847 ca nhiễm và 8.732 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia dần trở lại trạng thái bình thường mới

Sau ba tuần, Chính phủ Campuchia đã quyết định dừng chiến dịch toàn quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh cũng kết thúc từ ngày 20/8. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia nhiều ngày qua dao động trong khoảng 500-600 ca/ngày.

Trong chỉ thị ban hành tối 19/8, Chính phủ Campuchia cho biết chiến dịch tăng cường chống dịch thực hiện 21 ngày qua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần làm giảm ở mức độ nhất định việc lây lan biến thể Delta trong cộng đồng và không tác động quá lớn đến hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Theo chiến dịch này, các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh có rủi ro lây nhiễm COVID-19 cao và tụ tập đông người đều bị cấm, cùng với đó là giới nghiêm toàn quốc từ 10 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia nới lỏng quy định giãn cách xã hội đối với những người hoàn thành tiêm chủng

Kể từ ngày 21/8, Malaysia bắt đầu nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng trong bối cảnh hơn 50% số người trưởng thành của quốc gia Đông Nam Á  này đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng tạm quyền Muhyiddin Yassin cho biết quyết định trên đã được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia đặc biệt (MKN) do ông chủ trì ngày 20/8. Mục đích của cuộc họp này nhằm giảm bớt các hạn chế đối với quy định giãn cách, đặc biệt là đối với các bang đang nằm trong Giai đoạn 1 của Kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 21/8: Thái Lan có thể đã qua đỉnh dịch; Brunei 'nóng' sau hơn 1 năm không ca nhiễm
COVID-19 tại ASEAN hết 21/8: Thái Lan có thể đã qua đỉnh dịch; Brunei 'nóng' sau hơn 1 năm không ca nhiễm

Trong ngày 21/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 88.000 ca nhiễm mới và 2.259 ca tử vong. Thái Lan có dấu hiệu dịch chững lại khi qua đỉnh dịch, mặc dù có tới trên 20.000 ca nhiễm/ngày; Brunei phong toả toàn quốc sau kỷ lục 457 ngày không ca cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN