COVID-19 tại ASEAN hết 7/12: Toàn khối trên 29.000 ca tử vong; Số ca bệnh tăng mạnh ở Malaysia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.234 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 29.000 người.

Chú thích ảnh
Người dân tại Malaysia đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.600 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 2 ca tử vong mới vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang "hạ nhiệt". Ảnh: US News

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.276 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 29.082 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 169 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.261.992 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.093.219 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 7/12.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 7/12:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 581,550 +5,754 17,867 +127 479,202
Philippines 441,399 +1,574 8,572 +18 408,702
Myanmar 100,431 +1,276 2,132 +22 79,240
Malaysia 74,294 +1,600 384 +2 62,306
Singapore 58,273 +13 29   58,168
Thái  Lan 4,107 +21 60   3,868
Việt Nam 1,367 +1 35   1,224
Campuchia 348 +2     306
Brunei 151   3   147
Lào 41 +2     26
Timor-Leste 31       30
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết  trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng bệnh COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nêu rõ chính phủ đã chi khoản ngân sách trên để mua 3 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vaccine của công ty Cansino, đều của Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu, 1,2 triệu liều vaccine của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia trong ngày 7/12 và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1/2021.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng chi khoảng 19,6 triệu USD để mua các vật tư y tế hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng vaccine như ống tiêm, bông tẩm cồn và các hộp đựng an toàn. Bên cạnh đó, nước này cũng dành khoảng 13,4 triệu USD mua các trang thiết bị lưu trữ và bảo quản vaccine như tủ lạnh, thiết bị theo dõi nhiệt độ, đồ bảo hộ cá nhân… Tham gia chương trình tiêm chủng vaccine này có 10.134 trung tâm y tế cộng đồng và 2.877 bệnh viện.

Trong ngày 6/12, Indonesia tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo nước này đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc và dự kiến tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vào đầu tháng 1/2021. Indonesia cũng hy vọng nhận được các lô hàng nguyên liệu để sản xuất 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng này và 30 triệu liều trong tháng tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra một người lao động nhập cư nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen thông báo ông đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế-Tài chính nước này chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cung cấp miễn phí cho nhân dân.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Hiện một số nước đã sản xuất và sẽ bán cho các nước khác. Tôi khuyến nghị Bộ Y tế thảo luận với các đối tác phát triển, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, để cân nhắc chọn mua vaccine của nước nào”. Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết thêm ông đã chỉ đạo Bộ Kinh tế-Tài chính chuẩn bị ngân sách mua 1 triệu liều vaccine trong giai đoạn một để tiêm phòng cho những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Ông Hun Sen cho biết hai bộ trên sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ để đảm bảo toàn bộ người dân Campuchia được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19. Trong giai đoạn tiếp theo, Campuchia có thể mua từ 2-3 triệu liều vaccine.

Tối 7/12, theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tại Campuchia đã tăng lên 33 người. Bệnh nhân mới nhất là một sinh viên 22 tuổi, người đã mua sắm tại cửa hàng Zando hôm 27/11, sau đó có phản ứng dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến tối 7/12, Campuchia đã phát hiện 349 ca mắc COVID-19. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 tại nước này đang diễn biến phức tạp và nhiều ngày qua liên tục có các ca lây nhiễm cộng đồng, Thủ tướng Hun Sen ngày 6/12 một lần nữa khẳng định nước này sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới những diễn biến phức tạp hiện nay của dịch COVID-19.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Hungary Miklos Kasler cho biết khoảng 3.000 - 5.000 người Hungary có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.

Trên trang mạng Facebook, ông Kasler cho biết một đoàn chuyên gia y tế của Hungary đã nhận được "thông báo chi tiết" về vaccine của Nga tại Moskva, và nhận thấy vaccine đang được sản xuất với công nghệ mới nhất và áp dụng các quy chuẩn của WHO.

Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga do Trung tâm Gamaleia phát triển đã được đăng ký tại Nga ngày 11/8. Các nhà phát triển đánh giá hiệu quả của vaccine này là hơn 95%. Vaccine Sputnik V đòi hỏi hai liều tiêm cách nhau 21 ngày. Ngày 5/12, Moskva đã bắt đầu phân phát các liều vaccine này cho các nhóm có nguy cơ cao nhất thông qua 70 cơ sở y tế.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 6/12: Toàn khối có 9.213 ca mắc mới; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế
COVID-19 tại ASEAN hết 6/12: Toàn khối có 9.213 ca mắc mới; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 6/12, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 9.213 ca mắc COVID-19 và 182 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.250.649 ca, trong đó 28.884 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN