COVID-19 tại ASEAN hết 6/12: Toàn khối có 9.213 ca mắc mới; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 6/12, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 9.213 ca mắc COVID-19 và 182 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.250.649 ca, trong đó 28.884 người tử vong. 

Các quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất ASEAN trong ngày 6/12 là: Indonesia (6.089 ca), Philippines (1.768 ca) và Malaysia (1.335 ca).

Trong ngày 6/12, có ba quốc gia ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 gồm: Indonesia (151 ca), Philippines (29 ca) và Malaysia (2 ca). Các nước còn lại có số ca nhiễm thấp.

Campuchia tăng cường giám sát các cơ sở kinh doanh

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Phnom Penh, Campuchia ngày 9/8. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các tỉnh/thành giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh, đề nghị các cơ sở này thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi tiếp tục phát hiện thêm một ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong thông điệp gửi tới báo chí Campuchia cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen lưu ý rằng có một số cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các nguyên tắc phòng dịch, một số quan chức địa phương đã bất cẩn, là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây nhiễm COVID-19 cộng đồng vừa qua tại nước này.

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cảnh báo nếu cơ sở kinh doanh nào không tuân thủ đúng các quy định, sẽ bị đóng cửa hoạt động tạm thời. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đảm bảo giãn cách xã hội và cá nhân, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh giữa khách hàng và người bán hàng”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen tái khẳng định rằng nước này sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới những diễn biến phức tạp hiện nay của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 2/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông điệp gửi tới báo giới Campuchia sáng 6/12, Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã dự thảo xong một sắc lệnh Hoàng gia và gửi thư tới Quốc vương Campuchia Norodom Sihanoni, cũng như một số nghị định và thư gửi Chủ tịch Quốc hội và Thượng viện Campuchia về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Dù sao, tôi cũng không muốn làm việc này vì nền kinh tế sẽ bị đình trệ hoàn toàn. Nếu tôi đóng cửa cả nước, hoặc một số tỉnh, thành như Phnom Penh hoặc đâu đó, cả hệ thống kinh tế sẽ tê liệt. Nhưng tôi có thể thay vào đó bằng một số nỗ lực của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự tham gia của các công dân”.

Sáng 6/12, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện thêm một ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng liên quan tới “Sự kiện cộng đồng 28/11”, trường hợp bùng phát lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Campuchia. Ca lây nhiễm này được xác định là một nam giới, 21 tuổi, sống ở gần chùa Sansam Kosal, thuộc phường Boeung Tompun - quận Khan Meanchey thuộc thủ đô Phnom Penh. Nam bệnh nhân này làm việc cho cửa hàng Carl's Jr Burger, hiện đã được điều trị tại Trung tâm y tế Chak Angre ở thủ đô Phnom Penh. 

Cho đến ngày 6/12, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này đã có 346 ca mắc COVID-19, trong đó có 30 trường hợp lây nhiễm cộng đồng kể từ hôm 28/11. Trong số này, 306 người đã được điều trị bình phục và không có ca tử vong.

Lào phong tỏa đặc khu kinh tế tại Luang Namtha

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Lào yêu cầu xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 5/12. Ảnh: tapchilaoviet.org

Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 Lào đã ra thông báo phong tỏa đặc khu kinh tế tại tỉnh Luang Namtha, miền bắc Lào, yêu cầu xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 5/12.

Lệnh phong tỏa này được ban hành sau khi có hai người đàn ông Trung Quốc ở Chương Châu, Phúc Kiến hát karaoke tại một cửa hàng ở Myanmar trước khi nhập cảnh trái phép bằng đường thủy vào huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo cuối tháng 11 vừa qua. Khi tìm cách vượt biên về nước bằng đường tiểu ngạch tại khu vực đặc khu kinh tế Boten, tỉnh Luang Namtha đã bị công an Trung Quốc phát hiện. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai người này dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ huyện Tonpheung và đặc khu kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha, không cho phép hoạt động ra-vào những khu vực này trong vòng 14 ngày.

Thông báo cũng yêu cầu áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn bộ người có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bị sốt. Đồng thời, Ủy ban chuyên trách cũng yêu cầu cơ quan chức năng 2 tỉnh Bokeo, Luang Namtha truy vết 7 người có tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc bị phát hiện nhiễm COVID-19 trên.

Tính đến ngày 6/12, Lào ghi nhận tổng cộng 39 ca nhiễm COVID-19 trên cả nước, trong đó còn 13 người đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Mittaphab ở thủ đô Viêng Chăn.

Du lịch Indonesia thiệt hại hơn 7 tỷ USD do COVID-19 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết ngành du lịch nước này gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 10 mặc dù được ghi nhận tăng nhẹ 4,57% so với tháng 9 với 158.200 lượt người, nhưng vẫn giảm 88,25% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch của xứ "Vạn Đảo" hơn 100 nghìn tỷ Rp (khoảng 7 tỷ USD).

Dữ liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) cho thấy lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú giảm 11,86% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 78,5% người lao động trong các khách sạn tại Indonesia bị mất việc do các khách sạn không có khách du lịch lưu trú. 

Ông Maulana Yusran, Phó chủ tịch PHRI đánh giá, sự gia tăng gần đây về tỷ lệ số phòng khách sạn có người thuê chủ yếu là do Indonesia đã có một số ngày nghỉ lễ trong tháng 10 và một số ngày lễ trùng với dịp cuối tuần nên người dân kết hợp tranh thủ nghỉ ngơi tại địa phương. Các khách sạn tại Indonesia hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu của du khách trong nước. Các khách sạn tại đảo du lịch Bali đã ghi nhận số lượng khách thuê phòng thấp nhất trên toàn quốc và thấp kỷ lục trong tháng 10, chỉ đạt 9,53% so với cùng thời điểm năm 2019. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực du lịch và dịch vụ của BPS, ông Setianto, cho biết đại dịch COVID-19 tiếp tục gây áp lực lên ngành du lịch của Indonesia. Nhiều người phải hủy bỏ kế hoạch du lịch hoặc không có dự định đi du lịch trong năm 2020 do lo ngại đối với vấn đề sức khỏe và các hạn chế di chuyển của các quốc gia. Khách du lịch nước ngoài giai đoạn này chủ yếu từ các nước láng giềng như Timor Leste, Malaysia và Trung Quốc. Những quốc gia này có kết quả xử lý bệnh dịch trung bình tốt hơn Indonesia và có khoảng cách địa lý gần Indonesia so với các quốc gia khác trên thế giới. 

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tiếp đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sau khi ghi nhận 16,1 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, thống kê của BPS cho thấy lượng khách du lịch quốc tế từ tháng 1 đến tháng 10 chỉ đạt 3,72 triệu lượt, giảm 72,35% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ông Prabu Revolusi, người phát ngôn của Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia cho biết, cơ quan này đang đặt mục tiêu và hy vọng trong năm 2021 sẽ thu hút được từ 13 triệu đến 14 triệu lượt khách du lịch quốc tế.  Ông Prabu Revolusi khẳng định mục tiêu trên hoàn toàn khả thi do hiện nay Indonesia đã thiết lập hành lang du lịch với Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc cũng như đang trong giai đoạn thảo luận với Nhật Bản để sớm triển khai hành lang du lịch.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Một bộ trưởng Indonesia bị cáo buộc biển thủ 1,2 triệu USD từ gói trợ cấp COVID-19
Một bộ trưởng Indonesia bị cáo buộc biển thủ 1,2 triệu USD từ gói trợ cấp COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/12, Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) thông báo đã bắt giữ ông Juliari Batubara - Bộ trưởng Các vấn đề xã hội nước này vì liên quan đến hành vi tham nhũng các khoản trợ cấp xã hội của chính phủ dành cho các địa phương ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN