Theo trang thống kê worldometer.info, trong ngày 6/9, các nước ASEAN ghi nhận 6.401 ca nhiễm mới tại 6 quốc gia và 171 ca tử vong tại 3 quốc gia, chủ yếu là Philippines và Indonesia.
Liên tiếp những ngày qua, Indonesia có số ca nhiễm mới vượt cao hơn Philippines và tổng số ca bệnh tại nước này đang tiến gần ngưỡng 200.000 ca, trong khi số ca tử vong đã lên tới 8.025 người.
Indonesia đứng thứ ba thế giới về tỉ lệ tử vong do COVID trong nhân viên y tế
Theo tờ Straits Times, dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng của các nhân viên y tế trong bối cảnh số ca lây nhiễm lại tăng mạnh. Hiệp hội Y tá Quốc gia Indonesia cho hay có ít nhất 71 thành viên hiệp hội này đã tử vong vì COVID-19. Bên cạnh đó, số bác sĩ tử vong vì dịch COVID-19 cũng lên tới ít nhất 105 người.
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong các bác sĩ tại Indonesia là cao nhất ở Đông Nam Á - theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI). Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng xếp nước này đứng thứ ba trên thế giới, sau Nga và Ai Cập về tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong các nhân viên y tế.
Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia ngày 6/9 thông báo nước này ghi nhận thêm 3.444 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng một ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 194.109, với tổng số ca tử vong là 8.025 ca, tăng 85 ca.
Theo Bộ Y tế Indonesia, trong số ca mắc mới, thủ đô Jakarta là khu vực ghi nhận nhiều nhất với 1.176 ca, Đông Java 303 ca, Tây Sumatra 244 ca, Trung Java 233 ca và Nam Sulawesi 209 ca.
Trong một ngày qua có thêm 2.174 bệnh nhân COVID-19 bình phục và xuất viện tại Indonesia, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở nước này lên 138.575 người. Hiện virus SARS CoV-2 đã lây lan ra tất cả 34 tỉnh ở nước này. Có 6 tỉnh không ghi nhận thêm ca mắc mới gồm Jambi, Riau Islands, Central Sulawesi, West Sulawesi, North Maluku và Papua.
Malaysia: Thêm các ca mắc mới, cả nhập cảnh và trong nước
Cùng ngày, Malaysia thông báo ghi nhận 6 ca mắc mới, theo đó tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 9.397.
Theo thông báo, trong số ca mắc mới nói trên, 3 ca là trường hợp nhập cảnh và 3 ca còn lại là lây nhiễm trong nước. Trong khi đó, có thêm 2 ca bình phục được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở Malaysia lên 9.115 người, chiếm 97% tổng số ca mắc bệnh.
Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 tại Malaysia, theo đó con số bệnh nhân không qua khỏi vẫn là 128 người.
Philippines lên kế hoạch theo dõi mạng xã hội để siết chặt cách ly
Tờ Philstar ngày 6/9 cho biết cảnh sát Philippines đã vấp phải nhiều chỉ trích khi đưa ra kế hoạch giám sát truyền thông xã hội để tăng cường thực thi các quy định cách ly phòng dịch COVID-19. Những người chỉ trích cho rằng chính sách này là độc đoán và theo "tiêu chuẩn kép".
Trước đó, Trung tướng Cảnh sát Quốc gia Guillermo Eleazar, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm thực thi các giao thức kiểm dịch, đã cảnh báo về các chế tài phạt đối với những người vi phạm các biện pháp phòng ngừa. “Cảnh sát có thể sử dụng các bài đăng công khai trên mạng xã hội làm đầu mối, những bài đăng này sẽ phục vụ hoạt động của cảnh sát, cũng như bổ sung cho những thông tin mà chúng tôi nhận được từ đường dây nóng của cảnh sát”, ông Eleazar nói với Reuters qua điện thoại.
Hôm 19/8, Manila đã kết thúc vòng thứ hai của các biện pháp phong toả nghiêm ngặt, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhưng mọi người vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và giãn cách 1m. Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến khích ở nhà.
Kế hoạch giám sát phương tiện truyền thông xã hội, được công bố hôm 5/9, đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Các nhà chỉ trích cho rằng kế hoạch thể hiện" tiêu chuẩn kép" sau khi một cảnh sát trưởng vẫn được phép tiếp tục giữ chức bất chấp vi phạm lệnh cấm tụ tập xã hội vào tháng 5. Các bức ảnh trên trang Facebook của lực lượng cảnh sát cho thấy ông Debold Sinas, cảnh sát trưởng Vùng Thủ đô, đã tổ chức sinh nhật cùng với hàng chục người không đeo khẩu trang ngồi gần nhau, trên bàn đầy lon bia bất chấp lệnh cấm rượu bia.
Về tình hình dịch bệnh, Philippines ngày 6/9 ghi nhận 2.839 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 237.365 trường hợp, trong đó có 3.875 ca tử vong (tăng thêm 85 ca trong ngày). Nước này có 184.687 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục.
Thái Lan: Hoãn mở cửa lại đảo nghỉ dưỡng Phuket với khách quốc tế
Kế hoạch của chính phủ Thái Lan về mở cửa lại đảo nghỉ dưỡng Phuket như một mô hình chào đón trở lại du khách nước ngoài đã gặp phải trở ngại mới sau khi Thái Lan ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng.
Tờ Bangkok Post ngày 6/9 cho biết, ông Yuthasak Supasorn, Thống đốc Cục Du Thái Lan (TAT) đã thông báo kế hoạch mở cửa lại Phuket trong tháng tới nhiều khả năng sẽ bị đẩy lùi. Cuối tuần qua, các quan chức TAT đã tới Phuket để đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, và lưu ý rằng mô hình đưa khách du lịch quốc tế trở lại đây có thể phải điều chỉnh nếu đất nước đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Theo "mô hình Phuket", khoảng 200 du khách từ Australia và New Zealand sẽ được phép tới nghỉ dưỡng. Họ phải có xét nghiệm âm tính tại nơi xuất phát, sau đó cách ly 14 ngày ở nơi đến là Phuket. Du khách có thể đi lại trên khắp tỉnh nếu có xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng nếu muốn sang tỉnh khác, họ sẽ phải cách ly theo tại tỉnh đó thêm 7 ngày.
Thái Lan đã hỗ trợ cho chiến dịch "We Travel Together" (Chúng ta cùng nhau đi du lịch) nhằm thúc đẩy du lịch nội địa ở khoảng cách xa. Theo đó, chính phủ trợ cấp tới 3.000 baht/đêm trong tối đa 5 đêm cho mỗi du khách. Ngoài ra, du khách chỉ phải trả giá thuê phòng khách sạn bằng 40% giá bình thường. Nếu khách đi lại bằng đường hàng không, chính phủ sẽ hoàn lại 40% giá vé, nhưng không quá 1.000 baht/ghế/người và hạn mức là 2 triệu ghế.