Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 27.040.271 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 882.955 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 19.137.330 người. Trong số 7.012.313 người đang được điều trị, có 1% số ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (90.600 ca), Mỹ (39.385 ca) và Brazil (22.168 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.044 ca), tiếp theo là Mỹ (696 ca) và Brazil (485 ca).
Mỹ: Cần sẵn sàng phân phối vaccine từ 1/11
Ngày 5/9, Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams đã cảnh báo các tiểu bang phải sẵn sàng phân phối vaccine COVID-19 ngay từ ngày 1/11 tới. "Chúng ta luôn nói rằng ta hy vọng có vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Nói vậy, nhưng đó không chỉ là việc có một loại vaccine an toàn và hiệu quả, mà là phải sẵn sàng để phân phối nó", ông Adams phát biểu với ABC News.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã yêu cầu giới chức y tế các bang chuẩn bị phân phối vaccine COVID-19 vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2020.
Trong khi đó, cùng ngày Tiểu bang New York tiếp tục chứng kiến tỉ lệ lây COVID-19 ở mức dưới 1% trong ngày thứ 29 liên tiếp - theo số liệu từ Văn phòng Thống đốc Andrew Cuomo. Tuy vậy, trên toàn nước Mỹ vẫn ghi nhận tới 39.386 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đến nay, 6.428.442 người Mỹ đã lây nhiễm bệnh, 192.807 người đã tử vong do COVID-19.
Mỹ Latinh: Vẫn lây nhiễm mới 4 con số mỗi ngày
Brazil tiếp tục là điểm nóng ở Mỹ Latinh, mặc dù tốc độ lây lan đang trên đà giảm xuống. Với 31.199 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nước này hiện ghi nhận 4.123.000 ca COVID-19, trong đó có 126.203 ca tử vong.
Các nước Mỹ Latinh khác như Mexico, Colombia, Argentina, vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức bốn chữ số.
Ấn Độ: Kỷ lục ca nhiễm mới, trên 90.000 ca/ngày
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ thông báo có thêm 90.600 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất trong vòng một ngày từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ là 4.113.969 ca, tức là gần vượt qua số ca bệnh tại Brazil, quốc gia đứng thứ hai thế giới.
Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Ấn Độ tăng thêm trên 1 triệu ca chỉ trong 13 ngày, nhanh nhất thế giới. Với chiều hướng lây lan dịch bệnh này, trong ngày hôm nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Ấn Độ nhiều khả năng sẽ vượt Brazil.
Hàn Quốc: Ca nhiễm mới thấp nhất trong 3 tuần
Tại châu Á, ngày 5/9, nhà chức trách Hàn Quốc đã thông báo tín hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại nước này ở mức thấp nhất trong 3 tuần qua, sau khi áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 2 COVID-19.
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 168 ca mắc COVID-19, trong đó có 158 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hầu hết các ca lây nhiễm trong cộng đồng mới đều ở xung quanh khu vực thủ đô Seoul, trong đó riêng thủ đô Seoul ghi nhận 51 trường hợp, tỉnh Gyeonggi gần đó ghi nhận 47 ca. Như vậy, tổng số người nhiễm bệnh tại Hàn Quốc hiện là 21.010, trong đó có 333 trường hợp tử vong.
Đông Nam Á: Thủ đô Jakarta, Indonesia quá tải chỗ chôn
Indonesia ghi nhận thêm 3.128 ca mắc COVID-19 và 108 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm bệnh và tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt là 190.665 và 7.940. Có 4 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm nào, gồm Jambi, Bangka Belitung, Trung Kalimantan và Bắc Maluku.
Theo tờ Straits Times, thủ đô Jakarta của Indonesia đang không còn đủ đất nghĩa trang để chôn cất các nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19. Tờ báo cho biết, nghĩa trang Pondok Ranggon ở Đông Jakarta sẽ hết chỗ chôn trong tháng 10 tới do tình trạng gia tăng các ca địa táng cho nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19. Giám đốc nghĩa trang, ông Nadi cho biết hiện nay nơi này chỉ còn đủ chỗ cho thêm 1.100 lượt chôn cất trong một khu vực rộng 7.000 m2. "Quỹ đất này chắc chắn sẽ hết vào giữa tháng 10", ông Nadi cảnh báo. Ước tính, quỹ đất còn lại trong tháng 10 chỉ đủ chỗ cho 380-400 thi thể. Theo ông Nadi, trung bình số thi thể được chôn cất tại nghĩa trang Pondok Ranggon là 700 thi thể/tháng. Hồi tháng 8, trung bình có 27 thi thể được chôn cất tại đây mỗi ngày.
Cũng trong ngày 5/9, Philippines thông báo phát hiện thêm 2.529 ca mắc COVID-19 và 53 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 234.570 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.790 trường hợp tử vong, 161.668 người đã bình phục. Lực lượng chức năng Philippines đã xét nghiệm cho hơn 2,59 triệu người.
Còn tại Thái Lan, tỉnh Phangnga đã trở thành địa phương đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này tái áp đặt các biện pháp y tế nghiêm ngặt sau khi có thông tin về ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong hơn 3 tháng và sự bùng phát dịch bệnh ở nước láng giềng Myanmar. Theo đó, những người tới hoặc trở lại địa phương từ những khu vực được coi là vùng có dịch COVID-19 sẽ phải cách ly 14 ngày; bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng; Không tham gia vào bất cứ hoạt động nào mà có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch và tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống COVID-19 khi tham gia những cuộc tụ tập đông người.
Châu Âu: Ukraine, Slovakia ca nhiễm mới tăng kỷ lục
Ngày 5/9, Ukraine, Slovakia đều ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ukraine thông báo nước này đã ghi nhận thêm 2.836 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 133.787 ca.
Do số ca mắc tại Ukraine liên tục tăng trong thời gian gần đây, nước này đã ban hành lệnh cấm tạm thời người nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28/9, cũng như kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến cuối tháng 10.
Slovakia thông báo có thêm 226 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 4.526 ca. Hiện Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất châu Âu, nhưng cũng ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng mạnh, lên mức cao nhất sau kỳ nghỉ Hè và học sinh quay trở lại trường.
Các quốc gia châu Âu khác như Cộng hòa Séc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 1 ngày, với 798 trường hợp. Hungary thông báo 510 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay. Giới chức các nước trên đều đang nỗ lực tìm cách để tránh không phải áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng như khi mới bắt đầu xảy ra đại dịch, vốn gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế.
Italy đánh giá kế hoạch mở cửa lại sân bóng đón cổ động viên
Liên quan đến đề xuất mở cửa đón cổ động viên trở lại sân khi mùa bóng mới bắt đầu, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 5/9 đã dập tan những hy vọng khi cho rằng giờ chưa phải lúc phù hợp để đánh giá về việc cho phép cổ động viên trở lại sân.
Thủ tướng Conte nói: "Sự hiện diện của cổ động viên trên các sân vận động và trong mọi sự kiện luôn là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, vào lúc này, sự hiện diện của họ, không chỉ trên khán đài mà còn ở các đường ra hay vào sân vận động, là điều không phù hợp". Tuyên bố của Thủ tướng Conte được đưa ra trong thời điểm có nhiều đội bóng ở Serie A kỳ vọng khán giả có thể trở lại khi mùa bóng mới của Serie A cạnh tranh trở lại vào ngày 19/9 tới.
Italy, một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, đã có những chuyển biến tích cực về kiểm soát dịch sau giai đoạn tháng Ba và tháng Tư. Tuy nhiên, những số ca mới mắc COVID-19 trong tháng 8 đã khiến nhiều chuyên gia phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh mới.
Tại Trung Đông, Iran ngày 5/9 đã mở cửa trường học đón 15 triệu học sinh khai giảng năm học mới sau 7 tháng đóng cửa. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran là 384.666 ca, trong đó có 22.154 ca.
Châu Đại Dương: Cựu Thủ tướng Quần đảo Cook tử vong vì COVID-19
Ngày 5/9, New Zealand thông báo ca tử vong thứ hai do COVID-19 liên quan đến chùm lây nhiễm ở Auckland. Nạn nhân là Tiến sĩ Joseph Williams, cựu Thủ tướng Quần đảo Cook. Ông Cook năm nay đã ở độ tuổi 80, là thành viên các cơ quan y tế của cả New Zealand và Quần đảo Cook.
Quần đảo Cook là một nền dân chủ nghị viện tự trị trong liên minh tự do với New Zealand.