COVID-19 tại ASEAN hết 6/3: Ca tử vong vượt 54.000; dịch tại Philippines 'nóng' trở lại

Đến hết ngày 6/3, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 54.000 ca tử vong và trên 2,5 triệu người bệnh. Tình hình tại Philippines căng thẳng trở lại, với ca nhiễm mới vượt qua ngưỡng 3.000/ngày.

Chú thích ảnh
Lô vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 sau khi được vận chuyển tới sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila, Philippines ngày 4/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.985 ca mắc COVID-19 và 177 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.508.895 ca mắc COVID-19 trong đó có 54.137 ca tử vong và 2.234.197 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm phần lớn với 128 ca. Philippines thêm 42 ca tử vong và Malaysia thêm 7 ca.

Với 5.767 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tốc độ lây lan trên đà giảm. Tuy vậy, nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới 37.154 người, trong tổng số 1.373.836 ca bệnh.

Tình hình Malaysia cũng có xu hướng hạ nhiệt với số ca nhiễm mới trong ngày 6/3 là 1.680, cho phép nước này dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển từ ngày 2/3. Trong khi đó, Philippines đang đối mặt với đợt lây nhiễm mới, khiến số ca nhiễm mới vọt lên trên ngưỡng 3.000. Trong khi đó Thái Lan ghi nhận 64 ca nhiễm mới, và Singapore có thêm 13 ca. 

Cùng ngày 6/3, Campuchia ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới; Campuchia, Brunei và Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Myanmar không cập nhật số liệu mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tranh luận người có tiền được "nhảy cóc" tiêm vaccine

Các chuyên gia y tế Malaysia đang chia rẽ xung quanh đề xuất cho rằng ngành y tế tư nhân Malaysia nên được phép mua vaccine COVID-19 để cung cấp cho khách hàng.

Một số người cho rằng đề xuất này giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trong khi số khác tranh cãi rằng nó sẽ tạo điều kiện cho những người có tiền được "nhảy cóc" để tiêm vaccine COVID-19.

Các bệnh viện tư nhân tại Malaysia đã đề nghị chính phủ cho phép họ mua vaccine và cung cấp cho những người sẵn sàng trả tiền thay vì phải xếp hàng dài chờ đợi tiêm đại trà theo chương trình quốc gia. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia Subramaniam Muniandy cho rằng quy trình cho phép tư nhân triển khai tiêm vaccine COVID chỉ nên được tổ chức sau khi các nhóm nguy cơ cao đã được chủng ngừa, do kho vaccine hiện còn khan hiếm.

"Trọng tâm nên tập trung tiêm cho các lực lượng tuyến đầu và nhóm rủi ro cao khác theo giai đoạn 1 và 2 của Chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Chỉ khi các nhóm này được chủng ngừa, và khi có đủ vaccine cung cấp, các đơn vị y tế tư nhân mới nên được phép tham gia", ông Muniandy nói.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, ông Michael Chong, Trưởng ban Dịch vụ Công cộng và Khiếu nại của Hiệp hội Người Hoa Malaysia, cho biết: "Có 9.000 phòng khám và bệnh viện tư nhân trên khắp đất nước. Nhiều người không muốn chờ đợi và họ có tiền để trả. Tốc độ hiện tại có thể không đủ để tiêm chủng nhanh cho nhiều người. Vì thế, với những ai có tiền trả, họ có thể được tiêm trước".

Theo tờ Straits Times, đến nay trên 2 triệu người Malaysia đã đăng ký tiêm chủng COVID-19. Bộ trưởng Y tế nước này khẳng định không có bằng chứng về hiện tượng "nhảy cóc" xếp hàng tiêm vaccine trước những thông tin nghi ngờ về điều này.

Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 126.000 người/ngày tại 600 điểm tiêm trên toàn quốc sau khi kích hoạt chiến dịch từ ngày 24/2.

Có ba giai đoạn trong chương trình tiêm chủng COVID-19, với giai đoạn 1 cho tuyến đầu từ tháng 2-tháng 4; giai đoạn 2 từ tháng 4-tháng 8 cho các nhóm rủi ro cao và người từ 60 tuổi trở lên; Giai đoạn còn lại, toàn bộ dân số Malaysia từ 18 tuổi trở lên được tiêm từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2022.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 3/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines: Ca nhiễm mới lại vượt ngưỡng 3.000 

Bộ Y tế Philippines ngày 6/3 cho biết nước này ghi nhận 3.439 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 591.138. Trong số này, có 43.323 bệnh nhân đang điều trị, chiếm 7,3%; và 12.465 người đã không qua khỏi.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp Philippines lại vượt qua ngưỡng 3.000 ca nhiễm mới. Mức ghi nhận trong ngày 6/3 đánh dấu mức nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 12/10/2020.

Theo quan chức phụ trách chương trình tiêm chủng Carlito Galvez Jr., theo kế hoạch tối ngày 7/3, có thêm 38.400 liều vaccine AstraZeneca sẽ tới nước này. Lô hàng này hoàn tất đợt chuyển giao hàng đầu tiên của chương trình COVAX (do Tổ chức Y tế thế giới điều hành), với 525.500 liều vaccine cho Philippines.

Manila cũng hy vọng khoảng 20 triệu liều vaccine Moderna sẽ tới nước này vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Vaccine của Moderna có hiệu quả phòng bệnh 94%.

Chú thích ảnh
Cảnh sát phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia: Chùm lây nhiễm cộng đồng mới tăng lên 446 người

Bộ Y tế Campuchia ngày 6/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 21 ca lây nhiễm liên quan đến "sự kiện lây nhiễm cộng đồng" ngày 20/2, nâng tổng số ca trong ổ dịch này lên 446 người chỉ trong 2 tuần. 

Theo thông cáo báo chí của Bộ trên, 21 ca mới bao gồm 3 người quốc tịch Việt Nam, một người Malaysia, 4 Campuchia, còn lại là người Trung Quốc. 10 trong số 21 bệnh nhân là người Trung Quốc sống tại tỉnh Preah Sihanouk. 

Tổng số ca mắc COVID tại Campuchia cho đến nay là 953, với 461 người đang nằm viện.

Thái Lan cấm tụ tập tại địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao

Ngày 6/3, trang web công báo của Chính phủ Thái Lan có tên gọi là Ratchakitcha đã đăng tải lệnh cấm các cuộc tụ tập công cộng hay biểu tình mà có thể làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh có nguy cơ cao.

Ngày 5/3, Tư lệnh Các Lực lượng quốc phòng, Đại tướng Chalermpol Srisawat đã ký lệnh cấm người dân tổ chức các cuộc biểu tình hoặc các cuộc tụ tập công cộng ở các tỉnh Bangkok, Samut Prakarn, Samut Songkhram, Nonthaburi, Nakhon Pathum và Pathum Thani mà không có sự chấp thuận của các quan chức. Những người vi phạm lệnh này sẽ phải đối mặt với hình phạt 2 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (1.300 USD), hoặc cả hai hình phạt.

Cảnh sát trưởng vùng đô thị Bangkok Phukphong Phongpetra cho biết 32 đại đội cảnh sát kiểm soát đám đông (gồm khoảng 4.800 cảnh sát) đã sẵn sàng nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn công cộng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được triển khai trên toàn thế giới, Thái Lan đang cân nhắc phát hành "hộ chiếu vaccine" và miễn cách ly trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Trao đổi với Tân Hoa xã (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho hay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine". Kế hoạch ban đầu sẽ liên quan đến công tác phát hành chứng nhận cho các du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến Thái Lan, cho phép họ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, Bangkok cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách Thái Lan. 

Chú thích ảnh
Nhóm đặc nhiệm COVID Indonesia xác nhận đã phát hiện các ca nhiễm biến thể B117. Ảnh: Reuters 

Trước mắt, Chính phủ Thái Lan vẫn cần có thời gian để xây dựng những nội dung và biện pháp triển khai cụ thể.

Năm 2019, Thái Lan đón khoảng 400 triệu lượt du khách nước ngoài, song con số này chỉ còn 6,7 triệu lượt người trong năm ngoái. Cũng trong năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã suy giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998. Ngân hàng trung ương Thái Lan nhìn nhận ngành du lịch, đóng góp hơn 15% GDP, là lĩnh vực chủ chốt giúp phục hồi kinh tế.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Biến thể COVID-19 dồn sóng lây nhiễm mới; Bế tắc chính trị tiếp diễn tại Myanmar
Thế giới tuần qua: Biến thể COVID-19 dồn sóng lây nhiễm mới; Bế tắc chính trị tiếp diễn tại Myanmar

Nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch bệnh COVID-19 từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Myanmar là hai mối quan tâm hàng đầu của dư luận thế giới trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN