COVID-19 tại ASEAN hết 5/2: Thêm 85.000 ca/ngày; Sau Tết, ca nhiễm vọt kỷ lục ở nhiều nước

Trong ngày 5/2, các quốc gia ASEAN ghi nhận trên 85.000 ca mắc COVID-19 và 200 ca tử vong. Ca nhiễm mới tăng vọt ở nhiều quốc gia do biến thể Omicron và những hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/2/2022, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 85.554 ca mắc mới COVID-19 và 200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 17.002.968 trường hợp, và 315.233 ca tử vong. Toàn khối có 15.892.732 bệnh nhân đã bình phục.

Làn sóng Omicron lan tới các nước Đông Nam Á đã làm đảo ngược tình thế ở nhiều quốc gia. Trong đó những quốc gia điểm nóng trước đây như Indonesia, Philippines sau một khoảng thời gian kiểm soát tốt đã chứng kiến cú ngoặt lây nhiễm mạnh trở lại.

Singapore: Ca mắc mới lần đầu vượt 10.000 ca/ngày

Số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore tăng vọt sau Tết Nguyên Đán, lần đầu tiên vượt trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, với số người nhập viện điều trị cũng như số ca tử vong gia tăng.

Số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 4/2, Singapore ghi nhận 13.046 ca mắc mới, tăng hơn gấp 3 so với một ngày trước đó (4.087 ca), nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên thành 379.681 ca. Đa số ca bệnh mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 162 ca là các trường hợp nhập cảnh. Cùng ngày, với thêm 6 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Singapore đã tăng lên thành 866 ca.

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh, ngày 3/2, Bộ Y tế Singapore cho biết Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer để điều trị bệnh nhân COVID-19. Lô thuốc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Singapore trong tháng 2 này. Dữ liệu tới nay cho thấy thuốc Paxlovid có tác dụng giảm nguy cơ nhập viện hoặc nguy cơ tử vong lên tới 88,9% nếu được sử dụng trong vòng 3 ngày kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.

Đây là loại thuốc uống đầu tiên được phê chuẩn sử dụng tại Singapore để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ cao chuyển nặng nhằm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Hiện tại, HSA cũng đang đánh giá về loại thuốc uống kháng virus khác là Molnupiravir do hãng được phẩm MeRck&Co. của Mỹ phát triển. Singapore đã ký hợp đồng với hãng này từ tháng 10/2021.

Chú thích ảnh
Người dân Singapore đeo khẩu trang đi mua sắm ngày cuối tuần tại chợ hoa. Ảnh: Lê Dương-P/v TTXVN tại Singapore

Malaysia: Ca mắc tăng cao nhất trong 4 tháng qua

Ngày 5/2, Malaysia thông báo đã ghi nhận 9.117 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2021, đưa tổng số ca mắc ở nước này tới nay lên hơn 2,9 triệu ca.

Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này liên tục tăng, từ mức 4.774 ca ngày 31/1 lên 5.566 ca trong ngày 1/2, tới ngày 4/2 là 7.234 ca và ngày 5/2 tăng lên 9.117 ca. Lần gần nhất Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày trên 9.000 ca là vào các ngày 6, 7 và 8/10/2021. Như vậy, tính tới nay, Malaysia đã có 2.904.131 ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, do có gần 79% dân số đã hoàn thành tiêm các mũi vaccine cơ bản và 52% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi tăng cường, nên đa số trường hợp mắc COVID-19 tại Malaysia hiện nay là nhẹ. Bộ Y tế  Malaysia cho biết mối quan tâm hàng đầu hiện nay là mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc COVID-19, chứ không phải là số ca nhiễm hằng ngày. Ông Noor Hisham - quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết dù số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tăng mạnh, song phần lớn ở mức 1 và mức 2, chỉ có khoảng 1% là ở mức nặng hơn. Điều này cho thấy vaccine có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Indonesia: Liên tiếp đứng đầu khối do làn sóng Omicron

Indonesia dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới với 33.729 ca và 44 ca tử vong. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng rất mạnh trong những ngày gần đây, sau một thời gian đã được kiểm soát về mức 3 con số. 

Hôm 4/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân nên bình tĩnh đối mặt với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như đi tiêm chủng. Theo Tổng thống Jokowi, biến thể Omicron có tốc độ truyền cao, nhưng có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với biến thể Delta. Thực tế là ở nhiều nước, tỷ lệ nhập viện vì Omicron tương đối thấp và ở Indonesia cũng vậy. Tổng thống Jokowi cho rằng những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể được chữa khỏi tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Theo ông, bệnh nhân chỉ cần tự cách ly tại nhà, uống thuốc và vitamin tổng hợp và xét nghiệm lại sau 5 ngày.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 3/2, Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia – đã đón chuyến bay thẳng đầu tiên chở khách du lịch quốc tế sau hai năm đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ Y tế Indonesia đã quyết định triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba) bằng một nửa liều với vaccine Pfizer và Moderna Gunadi Sadikin cho biết nước này chỉ sử dụng một nửa liều vaccine khác loại để tiêm tăng cường ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận và tạo thuận lợi cho các nhân viên tiêm chủng. Bộ này cho biết, cách tiêm trộn vaccine đã được nghiên cứu tại các quốc gia khác. Theo đó, kháng thể được hình thành từ việc tiêm trộn sẽ phong phú hơn loại được hình thành từ việc tiêm cùng loại vaccine.

Philippines: Ca nhiễm có xu hướng giảm

Do sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron, ca nhiễm tại Philippines có lúc đã tăng đột biến lên trên 30.000 ca/ngày, nhưng sau đó đang có chiều hướng đi xuống. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh, xuống mức 7.234 nhiễm và 1 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã ghi nhận 3.601.471 ca mắc COVID-19, trong đó có 54.214 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp lập đỉnh trong tháng này do người dân di chuyển nhiều, ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch kém và các biến thể Omicron và Delta lây lan nhanh.  Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở vùng thủ đô Manila (Metro Manila) đang giảm xuống. Hiện khu vực này đang được xếp loại ở mức rủi ro trung bình. Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm của đại dịch COVID- 19 kể từ khi đại dịch này bùng phát hồi năm 2020. 

Philippines đã mở cửa lại biên giới từ tháng 2, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ từ ít nhất 150 quốc gia, nhập cảnh mà không cần cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết biến thể Omicron có tỷ lệ lây nhiễm ở Philippines "thậm chí có thể cao hơn ở các quốc gia mà Manila đang hạn chế đi lại". 

Chú thích ảnh
Một cửa hàng bán đồ trang trí Tết tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cấp phép tiêm vaccine của Sinovac và Sinopharm cho trẻ từ 6 tuổi 

Ngày 4/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) thông báo đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. 

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19. 

Trước đó, FDA Thái Lan chỉ mới cấp phép tiêm vaccine của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vào tháng 12/202, cơ quan này cũng đã "bật đèn xanh" cho phép tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.  

Chú thích ảnh
 Hành khách tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tình hình dịch bệnh cùng ngày, Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết, nước này ghi nhận 10.490 ca mắc mới và 21 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 2,47 triệu ca. Theo CCSA, tính đến ngày 3/2, đã có 70,1% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 21,4 % đã được tiêm mũi tăng cường.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại đảo nghỉ dưỡng Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, Campuchia tiếp tục duy trì kiểm soát tốt dịch bệnh, với 112 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới trong ngày 1/2. Vương quốc này đã kiểm soát được dịch bệnh với mức lây nhiễm mới rất thấp trong nhiều tuần qua. Từ ngày 14/1, Campuchia bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron trong cộng đồng. 

Kể từ tháng 11/2021, nước này đã khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, 14,3 triệu người ở Campuchia (89,4% dân số) đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 13,7 triệu người (85,6%) đã tiêm 2 mũi và 4,39 triệu người (27,4%) đã tiêm mũi thứ 3. 

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/1, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron từ nay được phép điều trị tại nhà. Thủ tướng Hun Sen giải thích rằng mặc dù Omicron được biết đến là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, nhưng biến thể này lại không nguy hiểm như Delta và Alpha. Người nước ngoài nhiễm biến thể Omicron có thể xin điều trị tại khách sạn, sứ quán hoặc tại địa điểm do họ lựa chọn mà không bắt buộc phải nhập viện như trước.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ukraine - ngã ba đường của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu
Ukraine - ngã ba đường của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Ukraine, theo tiếng Slavic có nghĩa là "vùng đất biên giới", từ lâu đã nằm ở ngã ba của các nền văn minh, hoạt động thương mại và cả xung đột quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng với Nga đang lên cao, năng lượng là nguồn tài nguyên mới nhất được vũ khí hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN